Hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19

Tỉnh Lào Cai tổ chức đoàn công tác xuất quân vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch, trong khi đó, Quảng Nam đã cho xe đón hơn 500 người dân của tỉnh về quê để giảm bớt gánh nặng cho TP.HCM.
Hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19 ảnh 1Đoàn công tác trước giờ lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sáng 23/7, tỉnh Lào Cai tổ chức tiễn 50 y, bác sỹ lên đường chi viện cho “tâm dịch” Bình Dương trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai tham gia hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch gồm 50 y, bác sỹ, nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Đây đều là những cán bộ, y, bác sỹ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết, chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Nhằm góp phần đẩy lùi, ngăn chặn sự lây lan của dịch tại tỉnh Bình Dương nói riêng và trên địa bàn toàn quốc nói chung, ngày 22/7/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 3335/UBND-VX gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về việc đồng ý cử đoàn cán bộ y tế đến hỗ trợ tỉnh chống dịch.

Thời gian bắt đầu từ ngày 23/7, đến khi tỉnh Bình Dương chủ động kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tỉnh Bình Dương hiện có 28 khu, cụm công nghiệp tập trung, với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4.783 ca mắc COVID-19 tại cả 9 huyện, thành phố, thị xã; trong đó ngày 21/7 toàn tỉnh ghi nhận kỷ lục với 964 ca mắc mới.

Bác sỹ Nguyễn Hải Sơn, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Chúng tôi đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để góp một phần công sức cùng ngành y tế tỉnh Bình Dương nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường chia sẻ, 50 cán bộ, y, bác sỹ tình nguyện đại diện cho gần 4.000 cán bộ ngành Y tế tỉnh Lào Cai ngày hôm nay lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, ý chí kiên cường, bản lĩnh để giúp đỡ tỉnh Bình Dương chống dịch.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lào Cai mong các cán bộ, y, bác sỹ trong đoàn công tác đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch cho bản thân để khi trở về tiếp tục chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn công tác thứ nhất, gồm 32 cán bộ y tế của Lào Cai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch ở tỉnh Bắc Giang.

Dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai đã trao tặng 100 triệu đồng cho đoàn y, bác sỹ tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ; các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đoàn trang thiết bị chống dịch như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ và trên 200 triệu đồng.

[TP.HCM đề xuất bổ sung 7.000 cán bộ y tế cho phòng, chống dịch]

Trong khi đó, Quảng Nam đã đưa 10 xe ôtô, đón hơn 500 người dân của tỉnh sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê để phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, sáng 23/7, những chuyến xe đầu tiên đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đã về đến Quảng Nam. Ngay sau khi các phương tiện về tới các khu cách ly tập trung đã được các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phun thuốc khử khuẩn, hướng dẫn người dân làm thủ tục vào các khu cách ly.

Hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch COVID-19 ảnh 2Những chuyến xe nghĩa tình đưa công dân Quảng Nam giữa tâm dịch về quê hương. (Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN)

Thành phố Tam Kỳ có số người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về đông nhất trong đợt này. Theo danh sách đăng ký đợt đầu tiên có 82 người về Tam Kỳ, nhưng một số người sau khi đăng ký đã phát hiện mắc COVID-19, một số trường hợp đang nằm trong các khu vực bị phong tỏa nên hiện chỉ có 77 người về đến Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, thành phố đã bố trí khu cách ly cho người về từ Thành phố Hồ Chí Minh tại Khu ký túc xá Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam.

Mặc dù người dân đã tiến hành xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được về quê, nhưng ngay khi tiếp nhận mọi người vẫn phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Thành phố cũng đã bố trí các điều kiện ăn ở, sinh hoạt chu đáo cho người dân trong thời gian cách ly tập trung.

Theo chủ trương của tỉnh, sẽ miễn phí ăn, ở cho người dân về quê đợt này, tuy nhiên để chủ động, thành phố đã có văn bản giao các đoàn thể vận động xã hội hóa các suất ăn cho bà con trong những ngày tại khu cách ly.

Cùng với việc đón người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê, Quảng Nam cũng siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 các cửa ngõ ra, vào tỉnh từ ngày 22/7.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường siết chặt các chốt kiểm soát (24/24 giờ); đặc biệt từ 12 giờ ngày 22/7, không để người dân từ thành phố Đà Nẵng vào Quảng Nam.

Người lao động từ thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam làm việc, được yêu cầu ở lại Quảng Nam, không quay về Đà Nẵng, trường hợp quay về Đà Nẵng thì không được quay trở lại Quảng Nam.

Người dân, người lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng phải quay về trước 12 giờ ngày 22/7. Các nhà quản lý, chuyên gia của các công ty, cho phép trong thời gian 24 giờ kể từ 0 giờ ngày 22/7 phải thu xếp ở lại Quảng Nam.

Quảng Nam cũng kích hoạt cao nhất các Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng, đặc biệt là các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam, từ ngày 29/4 đến sáng 23/7, tỉnh đã ghi nhận 57 ca mắc dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 1 ca mắc trong cộng đồng, 10 ca lây nhiễm thứ phát, 12 ca xâm nhập từ các tỉnh khác và 34 ca nhập cảnh được cách ly tập trung ngay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục