Sáng 28/12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tham gia giải trình có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ý kiến của đại biểu tại phiên giải trình đã khẳng định giai đoạn 2004-2014, việc sử dụng vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong giáo dục đào tạo cơ bản có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nói riêng và việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung, nhất là với những khu vực đặc biệt khó khăn.
Với nguồn lực hỗ trợ từ vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia, điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được tăng cường. Cơ hội tiếp cận giáo dục đào tạo của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa được mở rộng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong huy động, sử dụng các nguồn vốn này. Trong đó, nhấn mạnh đến tình trạng một số địa phương sử dụng vốn không đúng mục đích, tự ý điều chuyển kinh phí từ dự án này sang dự án khác hay tách nhỏ từng chương trình, dự án dẫn đến hiệu quả thấp; sự cồng kềnh của hệ thống Ban quản lý dự án ODA từ Trung ương đến địa phương, gây lãng phí về nguồn vốn.
Trích dẫn từ Báo cáo của Chính phủ cho biết "một số tỉnh, thành phố điều chuyển kinh phí từ chương trình, dự án này sang dự án khác, trong khi mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, dự án được giao chưa hoàn thành nhưng cũng không báo cáo về Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương," thành viên Ủy ban Đàng Thị Mỹ Hương chất vấn về trách nhiệm của các Bộ như thế nào trong việc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích.
Cho biết về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định rằng không có chuyện chuyển vốn từ chương trình này sang chương trình khác, nhưng có việc chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác nhưng vẫn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia đó của cùng một tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết việc chuyển đổi này là được phép và khẳng định việc không hoàn thành được mục tiêu thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương và Bộ chủ quản của chương trình, dự án đó.
Tiếp lời Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết mục tiêu của chương trình được thiết kế từ đầu nhưng dòng tiền chuyển về tỉnh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không được biết phân bổ cụ thể cho từng dự án là bao nhiêu.
Bộ trưởng nêu rõ địa phương không có trách nhiệm báo cáo với Bộ. Bộ trưởng đề xuất cần phải có quy định để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo cáo chi tiết trước Ủy ban Nhân dân để quyết định và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phải chịu trách nhiệm.
Chủ trì phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng địa phương quyết định linh hoạt nguồn vốn là cần thiết nhưng phải thêm khâu kiểm tra việc thực hiện có đúng không, từ đó mới kết luận được điều chỉnh nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác là có phù hợp, hiệu quả hay không.
Các vướng mắc, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng đã được các đại biểu chỉ rõ như cơ chế phân cấp quản lý còn bất cập, chưa hợp lý, chưa rõ ràng về trách nhiệm; việc gắn kết giữa cơ quan điều phối dự án ở trung ương với cơ quan điều phối ở địa phương và cơ sở thụ hưởng dự án chưa tốt. Hiệu quả bền vững các dự án chưa cao.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thu hút vốn ODA, đảm bảo sử dụng đúng mục đích; có cơ chế thu hút nguồn vốn ODA cho giáo dục, đào tạo.
Đồng thời nâng cao năng lực quản lý sử dụng nguồn vốn cũng như xây dựng mô hình quản lý các chương trình, dự án từ vốn ODA cho phù hợp. Tiếp tục nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó chú trọng các nội dung nâng cao năng lực lập kế hoạch, năng lực quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu và năng lực giám sát, đánh giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò cụ thể hơn trong việc hướng dẫn việc triển khai các nhiệm vụ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định phân giao, khắc phục tình trạng địa phương không tuân thủ ưu tiên các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình Trung ương phê duyệt./.