Hội An sẽ xây dựng sân khấu nổi trên sông Hoài?

Với phương án của kiến trúc sư người Thái, sân khấu nổi quảng trường Sông Hoài được lắp ráp bởi 4 chiếc thuyền lớn với hình đầu rồng.
Sáng 14/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An kết hợp với Công ty tư vấn đầu tư và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ Hà Nội, đã tổ chức buổi báo cáo phác thảo quy hoạch và kiến trúc dự án sân khấu nổi quảng trường Sông Hoài.

Dự kiến sân khấu nổi sẽ được xây dựng trên sông Hoài, đoạn trước quảng trường thành phố với diện tích khoảng 600m2, bao gồm các hạng mục như sàn biểu diễn (khoảng 400m2), nhà thay trang phục, nhà vệ sinh tự hoại đạt  tiêu chuẩn cao cấp, hậu đài...

Toàn bộ sân khấu có mái che bằng vật liệu có độ bền cao và có kiến trúc phù hợp với khu phố cổ, thể hiện được những nét đặc trưng của văn hóa Hội An.

Sân khấu ráp từ 4 thuyền rồng

Tại buổi báo cáo, Công ty tư vấn đầu tư và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ Hà Nội đã trình bày 5 phương án với điểm nhấn là phương án 3 của kiến trúc sư người Thái Lan.

Theo đó, 4 chiếc thuyền đặc chủng lớn với hình đầu rồng có gắn những cột đèn cao được lắp ráp với nhau thành một sân khấu lớn, nối với bờ sông bằng hai cầu gỗ.

Hệ thống mái che và phông màn được điều khiển bằng công nghệ thông tin. Công nghệ tự động bằng bơm hoặc hút nước đối với các con thuyền (hoặc công nghệ thay đổi đệm khí dưới thuyền) sẽ đảm bảo việc điều khiển mức nước để  giữ đồng cốt khi triều cường thay đổi.

Hệ thống ánh sáng và nhạc nước ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên sự sinh động cho sông Hoài trong những ngày Hội An tổ chức các sự kiện.

Tiến sĩ Đinh Văn Huỳnh, Giám đốc công ty cho biết: "Ngoài một nhược điểm kích thước các con thuyền đặc chủng rất lớn, phương án 3 này có nhiều ưu điểm hơn cả vì sân khấu có thể được lắp ráp, triển khai hoạt động nhanh, độ bền vững cao trong điều kiện sông nước".

Cấu tạo của 4 thuyền đặc chủng cho phép lắp ráp các khung mái che thành các du thuyền độc đáo và đa dạng và khi lắp máy đẩy có thể khai thác du lịch một cách hiệu quả trên sông Hoài, Cù Lao Chàm...

Không thể vội vàng

Tại buổi báo cáo, công ty cũng cho biết sẽ chú trọng giữ nguyên cốt sân khấu khi thủy triều lên xuống bằng những công nghệ khác nhau như xây dựng đập cao su giữ mực nước cố định (phương án 1), dùng hệ thống tự động bơm hút nước vào các vật mang sân khấu (thuyền, môđun, bê tông nổi) (phương án 3, 4), các đệm khí đặt dưới vật mang sân khấu nổi (phương án 3) hay hệ thủy lực điều khiển bằng kỹ thuật số (phương án 5).

Tuy nhiên, đặt ra vấn đề này là quá tốn kém và không an toàn trong sử dụng khi có sự cố.

Bởi lẽ qua nghiên cứu "Bảng lịch triều 2009" và lịch triều của nhiều năm trước đó tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng thì với mức Thủy Triều thay đổi từ 0,4 đến 0,8 mét, sự thay đổi góc nhìn giữa khán giả gần nhất với sân khấu là rất nhỏ, chỉ khoảng 1,5 độ nên không phải dùng các biện pháp và công nghệ chỉnh cốt sân khấu.

Bước đầu, phương án 3 đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An ưu tiên xem xét. Sau khi phương án này được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An sẽ quyết định lựa chọn và triển khai dự án.

Để xây dựng, bảo tồn và phát triển mà không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan tổng thể của phố cổ Hội An, không chỉ cần những tấm lòng yêu quý Hội An, sự nhiệt tình mà còn rất cần sự cẩn trọng và một tầm nhìn của các nhà quy hoạch tài ba, không chỉ cho phố cổ mà còn cho sự sống còn mai sau của nó./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục