Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow (Vương quốc Anh) giúp "tạo bệ phóng" cho thị trường tín chỉ carbon (carbon credit) toàn cầu.
Thị trường này, trước đó, vốn đã tăng lên mức kỷ lục. Chỉ riêng thứ Sáu tuần trước (29/10), khi các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu chuẩn bị đến Glasgow, giá tín chỉ carbon đã tăng 10%.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review (AFR), nhà báo Jacob Greber trích dẫn nhận định của chuyên gia Rich Gilmor - Giám đốc điều hành Quỹ Đối tác Tăng trưởng Carbon, có trụ sở tại thành phố Melbourne (Australia), cho biết giá carbon thế giới đã tăng cao "ngất ngưởng."
[Giới tài chính, thể thao cam kết tham gia chiến dịch trung hòa carbon]
Ông Gilmor ví giá hiện tại của tín chỉ carbon giống với thời điểm khi đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin chạm mốc 5.000 USD vào tháng 9/2017.
Ông Gilmor nói: "Nếu bạn đầu tư vào Bitcoin tại mốc 5.000 USD, bạn đã để lỡ rất nhiều triển vọng tăng giá trị, nhưng nếu bạn không đầu tư ở mốc đó, bạn sẽ bỏ lỡ thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị." Tháng trước, đồng Bitcoin đã chạm ngưỡng kỷ lục mới là 66.900 USD đổi 1 Bitcoin.
Ông Gilmore tiết lộ Đối tác Tăng trưởng Carbon vào tuần trước đã huy động 75 triệu USD (55 triệu USD) từ các nhà đầu tư để mua vào quỹ cơ hội tăng trưởng carbon của tổ chức, đặt cược vào những gì mà họ coi là tín chỉ carbon được định giá thấp, với quan điểm rằng chúng sẽ tăng lên khi nhu cầu tăng do các công ty cần bù đắp khí thải.
Huy động 75 triệu AUD trong vòng 5 ngày
Trả lời phỏng vấn AFR, chuyên gia Gilmore cho biết vòng tài trợ mới nhất này, với giá trị lên tới 75 triệu AUD, chỉ mất 5 ngày kêu gọi thay vì 5 tháng như các đợt huy động vốn trước đây.
Ông nói: "Chúng tôi nghĩ rằng việc tăng giá mới chỉ bắt đầu. Lý do là vì chúng tôi cho rằng thị trường tín chỉ carbon đang ít hơn đáng kể so với các cam kết mà các công ty lớn và các quốc gia đã thực hiện."
20 công ty dầu khí lớn nhất thế giới đã cam kết bù đắp phần ô nhiễm tạo ra do hoạt động khai khoáng nhiên liệu hóa thạch của họ.
Sản lượng khí thải này sẽ cần tương đương 3 tỷ tấn tín chỉ carbon để bù đắp mỗi năm, trong khi mức tín chỉ carbon toàn cầu hiện nay là khoảng 500 triệu tín chỉ.
Ngoài ra, ông Gilmore cho biết thị trường hiện chỉ tạo ra thêm 300 triệu tín chỉ mỗi năm thông qua hoạt động thu giữ và lưu trữ carbon. Một hãng hàng không, như Delta Airlines của Mỹ, cần khoản bù trừ carbon xấp xỉ 500 triệu tấn mỗi năm.
Ông nhận định: "Có một sự mất cân bằng đáng kể trong cung và cầu. Các nguyên tắc cơ bản của thị trường này vẫn chưa được thể hiện chính xác thông qua giá cả."
Mặc dù thị trường tín chỉ carbon toàn cầu vẫn còn nhỏ so với thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng sự tăng trưởng trong năm nay rất ấn tượng. Giá chuẩn cho tín chỉ carbon - được gọi là CBL GEO - đã tăng phi mã từ mức 75 xu Mỹ vào tháng 10/2020 lên hơn 7,5 USD vào cuối tháng trước.
Chuyên gia Ben Stuart, nhà đồng sáng lập CBL - sàn giao dịch toàn cầu về năng lượng và tài sản hàng hóa môi trường - nói: "Thị trường đã thức giấc và nhận ra rằng có một loại tài sản thú vị và hội nghị COP26 chỉ tình cờ là chất xúc tác để bàn thảo về thị trường này."
Ông Stuart chia sẻ các hợp đồng GEO của CBL nhằm cung cấp một tiêu chuẩn minh bạch và có thể giao dịch được cho thị trường carbon toàn cầu, kể từ tháng 10/2020, đã trở thành mặt hàng hoạt động tốt nhất trên thế giới. Khối lượng giao dịch đã tăng mạnh. Nếu như vào năm ngoái, CBL chỉ giao dịch tổng cộng 30 triệu tấn tín chỉ carbon, thì đến năm nay, con số này đã tăng lên thành 100 triệu tấn.
Đồng quan điểm với chuyên gia Gilmore, ông Stuart cho rằng nguồn cung tín chỉ carbon "chắc chắn đang thắt chặt," khi các công ty tích trữ tín chỉ carbon đủ để đáp ứng cam kết khử carbon của họ.
Chuyên gia Stuart khẳng định chắc chắn thị trường tín chỉ carbon sẽ được hỗ trợ bởi Hội nghị COP26. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy thực sự cho thị trường này là các thị trường tài chính, ngân hàng, người cho vay và các nhà tài chính đang tìm kiếm mức lãi suất ưu đãi lớn hơn và có thể hiển thị thông qua chứng nhận ESG (chứng nhận đầu tư theo tiêu chí bảo đảm Môi trường - Xã hội - Quản trị). Những yếu tố này đang góp phần thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon nhiều hơn là các quy định.
Chuyên gia Gilmore của Đối tác Tăng trưởng Carbon tiết lộ quỹ này đã quyết định kêu gọi thêm nguồn đầu tư vào quỹ cơ hội vào tuần trước, ngay trước khi diễn ra hội nghị COP26, thay vì chờ thêm hai tuần cho tới khi hội nghị kết thúc.
Ông nói mục đích của quỹ cuối cùng là tìm cách cung cấp những tín chỉ carbon mà quỹ mua được ra thị trường.
Ông nói thêm: "Chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về mức độ cấp thiết và cần thiết phải nâng cao tham vọng, cũng như nhu cầu bù trừ carbon như là một phần của giải pháp. Không có cách nào để đạt được phát thải ròng bằng 0 mà không có sự bù trừ carbon. Sẽ luôn có lượng khí thải tồn dư và sẽ mất tới hàng thập kỷ để bù đắp khí thải trong lĩnh vực hàng không và hàng hải."
Ba yếu tố thúc đẩy nhu cầu
Chuyên gia của Quỹ Đối tác Tăng trưởng Carbon cho biết có ba yếu tố thúc đẩy nhu cầu về tín chỉ carbon, qua đó xác lập "niềm tin" về giá tín chỉ carbon cho các nhà đầu tư.
Thứ nhất đó là cam kết vào năm 2030 và 2050 tại hội nghị COP26 của các quốc gia và các công ty về việc khử carbon. Cam kết này sẽ được biến thành hành động thực tế, tạo ra nhu cầu mua các tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí phát thải.
Thứ hai là ý tưởng cho rằng nhiều tiền đầu tư chảy vào loại tài sản này hơn nhưng thị trường chưa có các lựa chọn thay thế.
Thứ ba, theo ông Gilmore, là nhu cầu tiềm năng được tạo ra bởi một loại chuỗi khối (blockchain) mới có mục đích loại bỏ carbon, được gọi là KLIMA. KLIMA được giao dịch mua bán như một loại tiền điện tử. Mỗi mã KLIMA đại diện cho 1 tấn carbon đã được hấp thụ hoặc bị loại bỏ. Chỉ trong hai tuần qua, KLIMA đã giúp hấp thụ và loại bỏ mức carbon tương đương 7 triệu tín chỉ carbon, cao gấp 23 lần so với yêu cầu của tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP (Australia) trong năm ngoái.
Ông Gilmore cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận tại hội nghị COP26 ở Glasgow, xung quanh các cuộc đàm phán Điều 6 về buôn bán khí thải carbon, nhằm mục đích hoàn thành các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Ông nhấn mạnh bất kể kết quả như thế nào thì điều quan trọng nhất là sự rõ ràng: "Một số nhà đầu tư và những người tham gia vào thị trường carbon đang chờ đợi sự rõ ràng đó trước khi đưa ra quyết định đầu tư"./.