Chặng đường gian nan

Hội nghị Copenhagen - Vẫn còn nhiều gian nan

Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mới qua nửa chặng đường, với căng thẳng và mâu thuẫn ngày càng gia tăng.
Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) tại Copenhagen (Đan Mạch) đã đi được nửa chặng đường với những diễn biến đầy căng thẳng và tranh cãi.

Sau một tuần làm việc, các đại biểu dự hội nghị cũng đã đưa ra được Bản dự thảo chính thức trình các bộ trưởng xem xét.

Những cam kết về cắt giảm khí thải và hỗ trợ tài chính cũng đã được đưa ra, nhưng kèm với đó là những mâu thuẫn gay gắt đang nổi lên.

Hội nghị Copenhagen đang đứng trước nguy cơ chia rẽ nghiêm trọng nhất khi mà những mâu thuẫn giờ đây không chỉ tồn tại giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, mà còn trong nội bộ các nước phát triển với nhau.

Mâu thuẫn chồng chéo

Một trong những động thái gây bất ngờ nhất tại hội nghị Copenhagen chính là việc lần đầu tiên xuất hiện rạn nứt giữa các nước đang phát triển trong yêu cầu các nước giàu thực hiện trách nhiệm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Mâu thuẫn nổi lên sau khi quốc đảo Tuvalu đề nghị các nước phát triển phải cắt giảm 45% khí thải vào năm 2020 (so với mốc 1990), đồng thời yêu cầu các nước đang phát triển mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng phải có những cam kết ràng buộc về pháp lý trong việc cắt giảm khí thải từ sau năm 2012, khi giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Ngoài ra, Tuvalu cũng yêu cầu phải có thêm một thỏa thuận mới, tồn tại song song với Nghị định thư Kyoto, quy định các vấn đề liên quan đến quỹ thích ứng và hoạt động của quỹ này.

Đề xuất của Tuvalu ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Liên minh các quốc đảo nhỏ (OASIS) nhưng cũng từ đó bắt đầu xuất hiện sự phân hóa về quan điểm trong nhóm G77+Trung Quốc.

Các nền kinh tế nổi trội, đứng đầu là Trung Quốc, cho rằng họ không có nghĩa vụ phải cắt giảm khí thải và yêu cầu duy trì Nghị định thư Kyoto với những điều khoản sửa đổi, bổ sung.

Là nhóm có tới 130 nước thành viên với trình độ phát triển khác nhau, tài nguyên dầu mỏ, rừng và biển không giống nhau nên việc xuất hiện những quan điểm khác nhau trong G77 là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mâu thuẫn trong nội bộ nhóm căng thẳng tới mức buộc Chủ tịch hội nghị phải dừng phiên họp toàn thể để các bên có thêm thời gian thảo luận, hòa giải bất đồng.

Không chỉ có “vấn đề Tuvalu”. Hai bản dự thảo chính thức của Nhóm công tác đặc biệt về hợp tác hành động dài hạn trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (AWG-LCA) và Nhóm công tác đặc biệt trong Nghị định thư Kyoto (AWG-KP) đưa ra hôm 11/12 cũng đang tạo ra những làn sóng phản đối giữa các nước.

Trong bản dự thảo dài 7 trang, AWG-LCD đặt giới hạn giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với 3 mức (lựa chọn) cắt giảm khí thải toàn cầu vào năm 2050 là 50%, 80% và 95%.

Một số nước, trong đó có Mỹ, đã phản đối dự thảo này, cho rằng nhiều nội dung dự thảo “có vấn đề nghiêm trọng” và không đảm bảo cho việc tiến tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý lâu dài.

Trong khi đó, dự thảo của AWG-KP cũng đang gây những luồng dư luận trái chiều giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển.

Các nước đang phát triển ủng hộ đề xuất của dự thảo về sửa đổi Nghị định thư Kyoto. Trong khi đó, các nước phát triển muốn có một thỏa thuận mới, đồng thời yêu cầu hạ thấp quy định cắt giảm khí thải trung hạn đối với các nước này.

Theo thông báo mới nhất của ban tổ chức, tính đến hết tuần đầu tiên đã có ít nhất 12 nước và nhóm nước trình đề xuất lên AWG-KP, gồm: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, nhóm Trung Quốc+36 nước, Tuvalu, Australia, Costa Rica, New Zealand, Philippines, Colombia, Belarus, Bolivia (đại diện cho Malaysia, Paraguay, Venezuela) và Mỹ, dù chưa phải là thành viên của Nghị định thư Kyoto.

Trong các đề xuất này, hầu hết các nước đang phát triển yêu cầu sửa đổi Nghị định thư Kyoto, riêng Nhật Bản và Australia đề nghị đưa ra thỏa thuận mới quy định nghĩa vụ của cả các nước phát triển và đang phát triển mới nổi.

Và những căng thẳng khó vượt qua

Mặc dù các nước đều tuyên bố ủng hộ việc cho ra đời một cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Copenhagen, nhưng những động thái tại đây cho thấy khả năng này rất khó xảy ra.

Trong tuyên bố sau khi đưa ra đề xuất gây tranh cãi, Trưởng đoàn đàm phán Tuvalu Taukiei Kitara thừa nhận đề xuất của nước này đã tạo hố ngăn cách trong nội bộ nhóm G77+Trung Quốc.

Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy tiến trình thảo luận trong tuần tới sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là có nguy cơ rơi vào bế tắc. Bởi thay vì chỉ giải quyết bất đồng giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển như trước đây, thì nay các nước còn phải tìm cách dung hòa thêm một luồng quan điểm thứ ba của nhóm OASIS.

Các nước phát triển, đứng đầu là Trung Quốc, cho rằng họ có quyền được phát triển kinh tế trước khi thực hiện trách nhiệm cắt giảm khí thải và các nước giàu phải chịu trách nhiệm lịch sử về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Các nước phát triển thì cho rằng những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi… cũng phải có nghĩa vụ cắt giảm khí thải, vì theo tính toán sẽ có tới 90% lượng khí CO2 trong tương lai là của những nước này.

Trong khi đó, nhóm OASIS đưa ra quan điểm trung dung hơn dựa trên đề xuất của Tuvalu. Nhóm này yêu cầu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C và đề nghị các nước giàu, các nước đang phát triển mới nổi cùng phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm khí thải.

Ngoài ra, còn một điểm nóng khác đang nổi lên tại hội nghị, đó là sự bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới hiện nay và được cho là những “nhân vật chính” quyết định thành công của COP15.

Trái với những tuyên bố tích cực được hai phía đưa ra trước hội nghị, trong tuần qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ thái độ cứng rắn khi không ngớt lời chỉ trích lẫn nhau. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi nói rằng ông "thực sự bị sốc" trước những tuyên bố “phủi tay” của Phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu Todd Stern trong việc nhận trách nhiệm về tình trạng khí thải tăng cao hiện nay, đồng thời cho rằng ông Xtơn là một người “vô trách nhiệm” và “thiếu khôn ngoan”.

Sự bất đồng giữa hai cường quốc có lượng khí thải lớn nhất thế giới đang làm tăng nghi ngờ về khả năng đạt được một cam kết đủ mạnh chống biến đổi khí hậu tại COP15.

Tất nhiên, bên cạnh những “khoảng tối” nêu trên, trong tuần qua cũng đã nổi lên một tín hiệu tích cực. Đó là việc EU nhất trí hỗ trợ 3,6 tỷ USD/năm trong 3 năm tới cho các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cam kết của EU vẫn chưa đủ mạnh để xua tan những quan ngại của các nước đang phát triển, đang rất thất vọng với khoản quỹ trợ giúp ít ỏi 10 tỷ USD/năm do Liên hợp quốc đưa ra.

Trong khi đó, bản dự thảo chính thức của hội nghị cũng không mở ra triển vọng sáng sủa gì hơn khi không đề cập tới bất kỳ con số cụ thể nào trong việc cắt giảm khí thải và trợ giúp tài chính cho các nước nghèo, vốn là hai yếu tố căn bản nếu muốn đạt được một thỏa thuận lịch sử khi có khoảng 115 nguyên thủ quốc gia sẽ đến đây vào cuối tuần này./.

Vũ Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục