Họp Quốc hội: Phân định rõ nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung các khoản để phân định rõ nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động trên biển.
Họp Quốc hội: Phân định rõ nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam ảnh 1Ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3), một số ý kiến nhất trí quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc thuộc Quân đội nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định cảnh sát biển Việt Nam thuộc Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm cảnh sát biển Việt Nam tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; gây nhạy cảm, khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù định lợi dụng.

Vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 8), có ý kiến đề nghị rà soát với các lực lượng khác có chức năng quản lý, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn trên biển để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của cảnh sát biển Việt Nam và sắp xếp lại vị trí các khoản.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung các khoản để phân định rõ nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động trên biển, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân

Nêu ý kiến về Điều 3 quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nhất trí với quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân; cho rằng quy định này nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 28 ngày 25/10/2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, định hướng xây dựng quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo đại biểu, khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia quy định cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Khoản 5 Điều 3 của Luật này cũng quy định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, cảnh sát biển Việt Nam là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

[Hội nghị công tác Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần II]

Đại biểu dẫn thực tế 20 năm qua, theo quy định, cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang, đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn trên biển và luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. “Theo tôi quy định như dự thảo Luật là đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển để quản lý, bảo vệ biển đảo của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, được trang bị vũ trang trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhằm giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình là rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay," đại biểu Bố Thị Xuân Linh nêu quan điểm.

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề nghị cần căn cứ vào Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 để làm rõ hơn về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trong tương quan với các đơn vị như: Bộ đội Biên phòng và Hải quân Việt Nam.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật cần quy định giới hạn quản lý về an ninh trật tự, bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên biển. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “thỏa thuận quốc tế” vì theo Luật Điều ước quốc tế thì thỏa thuận quốc tế cũng là một dạng của điều ước quốc tế.

Đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng tình với quy định tại Điều 3.

Họp Quốc hội: Phân định rõ nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Đại biểu nhận xét: “Quy định này đã kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành, đồng thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia; thống nhất với Luật An ninh quốc gia nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng chủ chốt trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển."

Xây dựng lực lượng cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Đánh giá về quy định đào tạo cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 36 dự thảo Luật, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng công tác giáo dục, đào tạo cán bộ, chiến sỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân sự, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Theo đại biểu, hiện nay cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang được đào tạo tại Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển. Tuy nhiên, nội dung, chương trình, quy mô và khả năng đào tạo của Trung tâm này còn hạn chế, do vậy việc quy định đào tạo cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 36 là cần thiết và phù hợp.

Về quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu rõ Điều 9 dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu, thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 88 Luật Thủy sản cũng quy định kiểm ngư có nhiệm vụ thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định của dự thảo Luật chưa phân biệt nhiệm vụ của cảnh sát biển và kiểm ngư.

Cũng nêu ý kiến đối với Điều 12 dự thảo Luật về biện pháp công tác của cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, dự thảo Luật quy định biện pháp công tác của cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Biện pháp vận động quần chúng, biện pháp pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nhiệm vụ vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên biển theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm của biện pháp pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác nói trên, tuy nhiên chưa làm rõ quy trình xin ý kiến Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về việc áp dụng các biện pháp này.

Trong khi đó, các vi phạm trên biển đòi hỏi cảnh sát biển khi thực hiện tuần tra phải có biện pháp xử lý kịp thời; nếu gửi xin ý kiến cấp trên sẽ gây chậm trễ việc xử lý vi phạm. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể các trường hợp áp dụng các biện pháp công tác để có căn cứ xử lý kịp thời các vi phạm trên biển.

Băn khoăn về một số nội dung của Điều 13 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đình Cúc nhận xét Điều 13 quy định các trường hợp dừng tàu thuyền để kiểm tra kiểm soát gồm 5 trường hợp: trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; có tố giác, tin báo về hành vi vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đại biểu, đây không phải là các biện pháp dừng tàu thuyền và kiểm tra, mà đây chỉ là căn cứ để Cảnh sát biển Việt Nam dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần chặt chẽ hơn theo hướng tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục