Hợp tác phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi

Việc xây dựng lộ trình quốc gia, tăng hợp tác trên thế giới nhằm giải quyết nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi là rất cần thiết.

Từ ngày 3-4/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị quốc gia về áp dụng phương thức tiếp cận Một Sức khỏe trước nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mối tương tác con người-động vật-hệ sinh thái ở Việt Nam.

Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các đối tác, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực thú y và y tế trong và ngoài nước.

Mục đích chung của hội nghị này nhằm tạo cơ hội cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác đưa ra các sáng kiến Một Sức khoẻ ở cấp quốc gia, rà soát tiến độ và thành tựu trong giai đoạn vừa qua cũng như những khó khăn, hạn chế và các nội dung cần tăng cường phối hợp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là cần xác định được các nguyên nhân và tác nhân chính dẫn đến sự xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi, qua đó xác định thêm những bên liên quan cũng tham gia vào hoạt động này. Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hợp tác và giúp đỡ hiệu quả của các đối tác và tổ chức quốc tế.

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ động vật sang người như SARS, cúm gia cầm và HIV/AIDS có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, sinh kế, thương mại, du lịch và tăng trưởng kinh tế.

[Các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam vẫn phức tạp]

Những năm gần đây đã có sự gia tăng đáng kể về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và Đông Nam Á được xem là một trong năm điểm nóng trên thế giới về các bệnh mới nổi.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, việc ứng phó đối với các nguy cơ dịch bệnh này yêu cầu các bác sỹ và các nhà chuyên môn thuộc các ngành khác nhau phải cùng phối hợp áp dụng phương thức tiếp cận Một Sức khoẻ để dự báo và xác định các bệnh mới nổi, từ đó có các hoạt động phòng chống dịch bệnh kịp thời và có hiệu quả.

Việc xây dựng lộ trình quốc gia; tăng cường hợp tác phối hợp giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mối tương tác con người-động vật-hệ sinh thái là rất cần thiết.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận nhằm hướng tới việc tăng cường áp dụng phương thức tiếp cận Một Sức khoẻ đối với các lãnh đạo, cán bộ và chuyên gia trong nước giải quyết các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoặc không có nguồn gốc từ động vật gây tác động đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sinh kế.

Hội nghị xem xét cách thức đưa các chương trình và hoạt động quốc gia về Một Sức khoẻ ở Việt Nam hiện nay vào bối cảnh toàn cầu hướng tới phương thức tiếp cận Một Sức khỏe.

Cùng với đó, hội nghị cũng xác định các bước tiếp theo và khung thời gian hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động Một Sức khỏe./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục