Ngày 26/9, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Bến số 3 cảng Chân Mây - bến cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cho cảng, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 DWT ra vào làm hàng.
Với quy mô dự án là hơn 13ha, trong đó diện tích bến bãi là hơn ha và gần 3ha khu mặt nước nước trước bến, Bến số 3 có chiều dài là 270m, tổng mức đầu tư là 846 tỷ đồng, thời gian thực hiện bắt đầu từ quý 4, hoàn thành dự án vào năm 2018. Công trình do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hào Hưng Huế đảm nhận thi công.
Cảng Chân Mây nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Thừa THiên-Huế và Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm của quốc gia (Cảnh Dương-Lăng Cô-Hải Vân-Non Nước, và Vườn quốc gia Bạch Mã); là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma.
Hiện tại, cảng Chân Mây có Bến số 1 với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; Bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20.000DWT để xếp dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng; thiết bị cẩu bờ di động Gottwald làm hàng đa năng như container, hàng siêu trường, siêu trọng, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời như than cám, cát silic, titan, clinker,... với năng suất cao, có thể đạt 10.000 tấn/24 giờ.
Những năm gần đây, lượng hàng và khách du lịch thông qua cảng Chân Mây ngày càng tăng lên, đã vượt quá công suất thiết kế của bến số 1 (vượt 70% công suất thiết kế; năm 2014, đón 227 lượt tàu cập cảng, lượng hàng thông qua cảng đạt 1,7 triệu tấn, lượng hành khách qua cảng đạt 44.459 lượt khách), các tàu hàng và tàu khách du lịch thường xuyên phải chờ nhiều ngày để được cập bến vì chỉ có một cầu cảng.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong quy hoạch đến năm 2020 cảng Chân Mây có sáu bến hàng tổng hợp với chiều dài là 1.680m; đến năm 2030, cảng Chân Mây có tám bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280m; một bến chuyên dùng xăng dầu với chiều dài 240m; bến chuyên dùng du lịch cho tàu khách 100.000 GT cập bến. Dự báo đến năm 2020, lượng hàng qua cảng Chân Mây sẽ đạt 7,4 triệu tấn/năm.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng thêm cầu cảng thuộc khu bến Chân Mây là rất cần thiết và cấp bách, nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách qua cảng Chân Mây; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy nhanh sự phát triển kinh t xã hội của Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô nói riêng, cũng như tỉnh Thừa Thiên-Huế và miền Trung nói chung.../.