Huế khôi phục và phát triển nghề sản xuất nón lá

Một tổ chức nhằm khôi phục và phát triển nghề sản xuất nón lá Huế truyền thống vừa được thành lập ngày 17/10, tại thành phố Huế.
Ngày 17/10, tại thành phố Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Hội Nón lá Huế để bảo vệ quyền và lợi ích của những người làm nón ở Huế.

Đại hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thúy Hoà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế làm Chủ tịch Hội. Văn phòng của Hội Nón lá Huế được đặt tại Cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội Nón lá Huế là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp những người trực tiếp khai thác, sản xuất, gia công, trao đổi mua bán nón lá và những người yêu nón lá Huế tự nguyện, với mong muốn cùng nhau gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị, hình ảnh của chiếc nón lá Huế với bạn bè trong và ngoài nước, cùng với chiếc áo dài Huế để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, là món quà cho du khách khi đến tham quan Huế.

Nón lá Huế đã góp phần xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam, thành phố lịch sử với 2 di sản văn hoá thế giới, trung tâm văn hoá du lịch của đất nước, có Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp thế giới thu hút nhiều du khách tới Huế.

Trước đây, nghề làm nón thủ công truyền thống của Huế chỉ là nghề phụ làm lúc nhàn rỗi nên chỉ có 900 hộ với gần 2.000 lao động tham gia. Gần 1/2 số hộ chằm nón tập trung ở các phường: Phước Vĩnh, Phú Hiệp, Xuân Phú, Hương Sơ, Kim Long.

Ngoài thành phố Huế, còn có nhiều vùng chằm nón nổi tiếng từ xưa đến nay như: Hương Cần, Triều Sơn, Thủ Lễ, Dạ Lê, Nam Phổ, La Sơn, Truồi, Phú Hồ, Dương Nỗ, Tân Mỹ, Mỹ Lam, Chuồn... Tuy vậy, nghề chằm nón gặp nhiều khó khăn từ khâu khai thác đến khâu tiêu thụ, giá cả lại thấp, không khuyến khích được người lao động, nhiều người đã chuyển sang làm nghề khác, có thu nhập cao hơn.

Để khôi phục và phát triển nghề sản xuất nón lá, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng Sở Công Thương xây dựng Đề án "khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn giai đoạn 2006 - 2010", trong đó quy hoạch phát triển làng nghề nón lá Huế kết hợp với du lịch, đưa các làng nghề trở thành điểm đến du lịch của thành phố Festival Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục