Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở tuyến cơ sở

Ngoài 6 ngôn ngữ được dùng tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên dịch cuốn sách “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe lồng ghép cho người cao tuổi ở tuyến chăm sóc ban đầu” ra tiếng Việt.
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở tuyến cơ sở ảnh 1Ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/10, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo công bố cuốn sách “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe lồng ghép cho người cao tuổi ở tuyến chăm sóc ban đầu.”

Sự kiện này là một trong những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10).

WHO đã xây dựng cuốn tài liệu Hướng dẫn chăm sóc tích hợp cho người cao tuổi (ICOPE). Đáng lưu ý, ngoài 6 ngôn ngữ được dùng tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên dịch cuốn sách này ra tiếng Việt.

[Phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội để đáp ứng yêu cầu người cao tuổi]

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết cuốn sách còn có 1 phần mềm mang tên ICOPE trên điện thoại thông minh. Phần mềm này cũng hoàn toàn bằng tiếng Việt, giúp mọi người có thể tải tài liệu về và dễ dàng sử dụng.

Cuốn sách gồm các nội dung phù hợp với định hướng tập trung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng như trong dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Việt Nam và phù hợp với chiến lược hành động toàn cầu đối với vấn đề già hóa và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở tuyến cơ sở ảnh 2Cuốn sách “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe lồng ghép cho người cao tuổi ở tuyến chăm sóc ban đầu”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay vào ngày 14/12/1990, Đại hội đồng liên hợp quốc đã nhất trí lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm nay có chủ đề “Đại dịch có khiến chúng ta thay đổi cách giải quyết các vấn đề về người cao tuổi và già hóa dân số?”

Việt Nam là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, trong đó có phòng chống COVID-19 cho người cao tuổi.

Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ 11% đến 22%. Số lượng người từ 60 tuổi trở lên (tuổi 60+) được dự báo sẽ tăng lên 1,4 tỷ người vào năm 2030 và 2,1 tỷ người vào năm 2050. Tại các nước ASEAN có gần 60 triệu người cao tuổi chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050 sẽ tăng lên 24% tổng dân số và trở thành khu vực dân số già.

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16% vào năm 2029 và lên 26% vào năm 2049. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm… nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng và ngày 11/9/2020, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030.

Đề án được xây dựng và triển khai sẽ tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Với các mục tiêu, giải pháp đồng bộ, trong đó là tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng bảo đảm cho mọi người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.

Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở tuyến cơ sở ảnh 3Trao tượng trưng cuốn tài liệu cho đại diện các bộ, ban, ngành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cuốn sách cung cấp lộ trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi một cách thực tiễn để nhân viên y tế tại cộng đồng có thể thực hiện theo một cách dễ dàng nhằm mục tiêu phát hiện ra những dấu hiệu suy giảm về sức khỏe ở người cao tuổi và giúp họ xây dựng cách chăm sóc mang tính cá nhân hóa tại gia đình.

Với những can thiệp từ hướng dẫn này có thể làm chậm lại hoặc đảo ngược quá trình suy giảm ở người cao tuổi. Điều này được thực hiện với chi phí thấp nhưng là cốt lõi trong vấn đề già hóa khỏe mạnh.

Ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình cho biết, nội dung cuốn sách phù hợp với định hướng tập trung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng như trong dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Việt Nam và phù hợp với chiến lược hành động toàn cầu đối với vấn đề già hóa và sức khỏe của WHO.

Tài liệu này sẽ giúp cho hệ thống cộng tác viên dân số ở cơ sở có thể thực hiện mục tiêu kép, vừa làm công tác kế hoạch hóa gia đình vừa có thể trở thành những người thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thời gian tới, Tổng cục Dân số-kế hoạch hoá gia đình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới phổ biến, hướng dẫn sử dụng cuốn tài liệu này cho các cán bộ, cộng tác viên dân số và y tế, nhất là tuyến cơ sở để sử dụng trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục