Indonesia: Thâm hụt tài khoản vãng lai bằng 3,28% GDP

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia đã tăng từ mức 24,4 tỷ USD năm 2012 lên 28,5 tỷ USD (3,28% GDP) trong 2013.
Indonesia: Thâm hụt tài khoản vãng lai bằng 3,28% GDP ảnh 1Một công trình xây dựng tại thủ đô Jakarta (Indonesia). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã tăng từ mức 24,4 tỷ USD (2,78% GDP) năm 2012 lên 28,5 tỷ USD (3,28% GDP) trong năm 2013.

Đồng thời, cán cân thanh toán cùng kỳ cũng chuyển từ thặng dư 200 triệu USD sang thâm hụt 7,3 tỷ USD.

BI nhận định xu hướng trên là hoàn toàn phù hợp khi mà tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và giá hàng hóa sụt giảm trên các thị trường thế giới, khiến xuất khẩu của quốc gia quần đảo này giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo BI, các kết quả trong quý IV năm ngoái khả quan với thặng dư thương mại 4,4 tỷ USD, thâm hụt cán cân thương mại giảm từ mức 9,2 tỷ USD trong quý III xuống 8,4 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ cùng kỳ tăng từ 95,7 tỷ USD lên 99,4 tỷ USD.

Các con số này cho thấy những chính sách và biện pháp của Chính phủ Indonesia và BI đang phát huy hiệu quả, giúp tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế đất nước.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Bambang Soemantri Brodjonegoro nhận định kinh tế nước này đã tiếp tục đà cải thiện trong các tháng đầu năm 2014, khi thâm hụt tài khoản vãng lai tiếp tục được thu hẹp, chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm và xuất khẩu được thúc đẩy bởi đồng nội tệ rupiah yếu hơn so với đồng USD.

Dự kiến, thâm hụt tài khoản vãng lai trong quý I/2014 sẽ chỉ dao động quanh mức 2% GDP, và con số này cho cả năm 2014 có thể giảm xuống 2,5% GDP.

Tuy nhiên, ông Brodjonegoro cũng lưu ý rằng theo chu kỳ biến động hàng năm, thâm hụt tài khản vãng lai thường thấp nhất trong quý I, tăng lên trong hai quý sau đó và giảm trở lại trong quý cuối cùng của năm.

Vì vậy, Chính phủ Indonesia sẽ theo dõi chặt chẽ các tác động bên trong lẫn bên ngoài đến nền kinh tế, cũng như tiếp tục đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và và cải tổ cơ cấu kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục