Israel quyết định cử đoàn đàm phán về trao đổi con tin tới Paris

Quyết định cử đoàn đàm phán về trao đổi con tin tới Paris được Israel đưa ra sau khi phong trào Hamas thể hiện sự linh hoạt liên quan các điều khoản về một thỏa thuận khung do phía Mỹ xây dựng.

Một trong số những con tin được Phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, ngày 24/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trong số những con tin được Phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, ngày 24/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, đêm 22/2, Nội các chiến tranh Israel đã biểu quyết thông qua quyết định cử phái đoàn tới Paris, Pháp nhằm nối lại cuộc đàm phán về con tin và lệnh ngừng bắn với Phong trào Hồi giáo Hamas qua sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar.

Quyết định được đưa ra sau khi phong trào Hamas thể hiện sự linh hoạt liên quan các điều khoản về một thỏa thuận khung do phía Mỹ xây dựng.

Trước đó, thành viên Nội các Chiến tranh của Israel, ông Benny Gantz, cũng nhận định có những dấu hiệu sớm về tiến triển trong đàm phán thỏa thuận phóng thích các con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc và tạm giữ tại Dải Gaza, từ đó đảm bảo một khoảng thời gian tạm dừng giao tranh.

Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Đặc phái viên về Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk đã báo cáo những "tín hiệu ban đầu" rằng các cuộc đối thoại với giới lãnh đạo Israel diễn ra "tốt đẹp và mang tính xây dựng."

Ông McGurk đang ở Tel Aviv nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận trao đổi con tin và ngừng bắn dự kiến sẽ diễn ra tại Paris từ cuối tuần này.

Ông McGurk cũng đang gặp gỡ thân nhân của những con tin 2 quốc tịch Mỹ-Israel hiện đang bị giam giữ ở Dải Gaza.

Liên quan đến tình hình Trung Đông, Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland, ngày 22/2, kêu gọi những nỗ lực tập thể nhằm khôi phục “chân trời chính trị” giữa người Palestine và người Israel.

Phát biểu trong một cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Wennesland cảnh báo “quy mô của tình trạng khẩn cấp hiện nay ở mức đáng kinh ngạc và có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát trong khu vực.”

Ông kêu gọi một phản ứng tập thể, phối hợp và toàn diện để không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt ở Dải Gaza mà còn giúp khôi phục "chân trời chính trị" cho người Palestine cũng như người Israel, đồng thời thúc đẩy sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

Theo ông, để làm được điều này, Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel cần đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và trao trả các con tin cũng như cần tạo không gian để tiến về phía trước thông qua đối thoại thay vì bạo lực.

Ông Wennesland cũng nhấn mạnh rằng giải pháp lâu dài cho Gaza là giải pháp chính trị. Trong khi tính đến những quan ngại an ninh chính đáng của Israel, phải có một con đường rõ ràng hướng tới khôi phục sự quản lý duy nhất, hiệu quả của người Palestine trên toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả ở Gaza.

Theo ông, sự hỗ trợ của quốc tế nhằm củng cố và cải cách chính quyền Palestine để cải thiện tính hợp pháp trong nước và quốc tế sẽ rất quan trọng.

Ngoài ra, ông gợi ý thêm rằng để tạo điều kiện cho tiến trình này có hiệu quả, cần phải có một khuôn khổ chính trị có thời hạn để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thiết lập giải pháp hai nhà nước phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương.

Theo ông, những nỗ lực này phải kết hợp và tăng tốc để có thể mang lại cho người Palestine và người Israel “cơ hội hòa bình lâu dài.”

Trong bối cảnh xung đột ở Gaza đã kéo dài gần 140 ngày và vẫn chưa có hồi kết, điều phối viên của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự toàn diện của Israel vào thành phố Rafah, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine đang trú ẩn và là nơi duy nhất có các điểm tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo từ bên ngoài vào Dải Gaza.

Ông lưu ý, các dịch vụ thiết yếu đã bị tàn phá nặng nề do cuộc xung đột, với 84% cơ sở y tế và giáo dục bị hư hại hoặc bị phá hủy, hơn 62% đường giao thông và đường dây cấp điện không thể sử dụng được.

Ông Wennesland một lần nữa kêu gọi mở thêm các điểm tiếp cận phía Bắc Gaza để tăng nguồn viện trợ, giảm tắc nghẽn ở phía Nam và giảm bớt một số áp lực đối với người dân và nhân viên đang tìm cách cung cấp viện trợ. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo ngại về tình hình bấp bênh hiện nay ở Bờ Tây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục