Italy cảnh báo về tác động do quyết định tăng lãi suất mới của ECB

Bộ trưởng quốc phòng Italy cho rằng các quyết định của ECB và BoI được đưa ra mà không tính đến những tác động tiêu cực đối với người dân và các quốc gia châu Âu.
Italy cảnh báo về tác động do quyết định tăng lãi suất mới của ECB ảnh 1Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani và Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã "kêu ca" về quyết định tăng lãi suất mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và những phát biểu của Chủ tịch ECB Christine Lagarde.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa số ra ngày 18/12, Bộ trưởng Crosetto đã "phàn nàn" việc ECB hạn chế tín dụng vào thời điểm này. Ông cũng đề cập đến kế hoạch của ECB trong việc thắt chặt định lượng để thu hẹp danh mục đầu tư vào trái phiếu và các khuyến nghị về vốn của Cơ quan Ngân hàng châu Âu đối với các ngân hàng, đồng thời cho biết thêm Italy có nguy cơ bị khủng hoảng tín dụng.

Bộ trưởng Crosetto là quan chức Italy đầu tiên nói đến những tác động tiêu cực đối với nước này do quyết định tăng lãi suất của ECB vào ngày 15/12 và theo sau là Phó Thủ tướng Matteo Salvini.

Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đang chuẩn bị một đạo luật ngân sách được cho là sẽ phù hợp với các khuyến nghị của Liên minh châu Âu, một số quan chức cấp cao của chính phủ đã "kêu ca" ECB và Ngân hàng Trung ương Italy (BoI). Ngay cả bà Meloni cũng nói trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội rằng việc ECB tăng lãi suất sẽ gây ra những tác động không mong muốn đến các quốc gia như Italy.

[ECB nâng lãi suất khiến Italy lo ngại về triển vọng kinh tế đất nước]

Bộ trưởng Crosetto cho rằng các quyết định của ECB và BoI được đưa ra mà không tính đến những tác động tiêu cực đối với người dân và các quốc gia châu Âu.

Còn trong một cuộc phỏng vấn với tờ Il Sole 24 Ore số ra ngày 18/12, Ngoại trưởng Tajani nói rằng mặc dù ECB độc lập trong các quyết định chính sách của mình, nhưng “thật sai lầm khi tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp và các gia đình trong giai đoạn này” vì lạm phát chủ yếu là do chi phí năng lượng cao.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu 10 năm của Đức và Italy, được xem là thước đo rủi ro chính trong khu vực, đã tăng lên 214 điểm cơ bản vào tuần trước sau quyết định của ECB, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.

Trong khi đó, BoI đã nâng dự báo lạm phát trong 3 năm tới do chi phí năng lượng tiếp tục tăng và tiền lương tăng rõ rệt hơn vào năm 2024.

Theo các dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất của BoI, giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 8,8% trong năm nay và 7,3% trong năm tới, so với các dự báo trước đó lần lượt là 8,5% và 6,5%, trong khi dự báo tăng trưởng GDP được điều chỉnh tăng lên 3,8% trong năm nay và 0,4% trong năm tới, từ các dự báo trước đó là 3,3% và 0,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục