Khánh Hòa: Ấn tượng về áo trắng Blouse nơi đảo Trường Sa Lớn

Sự có mặt của những chiến sỹ áo blouse trắng không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ “chắc tay súng” nơi đầu sóng ngọn gió mà còn góp phần tạo nên sự an tâm cho bà con trên đảo Trường Sa.
Khánh Hòa: Ấn tượng về áo trắng Blouse nơi đảo Trường Sa Lớn ảnh 1Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được đầu tư khang trang, tương đương một bệnh viện đơn vị cấp huyện. (Ảnh: TTXVN phát)

Hơn 30 năm qua, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân y của Bệnh viện Quân y 175 đã lên đường làm thành nhiệm vụ tại Trường Sa Lớn, nơi trái tim của quần đảo Trường Sa.

Sự có mặt của những chiến sỹ áo blouse trắng không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ “chắc tay súng” nơi đầu sóng ngọn gió mà còn góp phần tạo nên sự an tâm cho bà con trên đảo và ngư dân trên ngư trường Trường Sa, góp phần gìn giữ toàn vẹn chủ quyền đất nước nơi biên cương hải đảo.

Câu chuyện về những năm tháng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa qua các thế hệ quân y trên đảo Trường Sa Lớn cho thấy phần nào nhiệm vụ gian nan mà cao cả của những người lính mặc blouse trắng ở nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Người bác sỹ “đầu tiên

Mùa Hè năm 1991, Đại úy, bác sỹ quân y Nguyễn Kỳ Dưỡng cùng Thượng úy, y sỹ Phạm Ngọc Xuyên và Trung sỹ, y tá Nguyễn Văn Dũng lên đường ra Trường Sa, thành lập Bệnh xá quân y Trường Sa, tiền thân của Trung tâm y tế đảo Trường Sa hiện nay. 30 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức của một thời vượt biển đến với những người lính đảo vẫn còn vẹn nguyên, lắng đọng trong tâm trí Đại tá Nguyễn Kỳ Dưỡng, người bác sỹ quân y đầu tiên phục vụ dài ngày tại Trường Sa.

[Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa - điểm tựa cho người dân trên biển]

Sau 3 ngày vượt biển trên chiếc tàu vận tải hải quân, bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn. Ngày đó, Trường Sa Lớn còn rất nguyên sơ với chỉ một căn nhà chỉ huy bằng gỗ, còn lại là những kết cấu xây dựng nửa chìm nửa nổi lợp fibro ximăng phơi mình trong nắng gió của biển. Cả đảo dường như không có màu xanh khi chỉ có hai bụi phong ba cao chừng nửa mét cằn cỗi trên cát, vụn san hô, còn màu trang phục bộ đội cũng dần trở nên bạc phếch vì nước mặn và mồ hôi của người lính đảo. 

Gần một tháng trời đầu tiên chập chờn trong giấc ngủ vì chưa quen tiếng sóng ầm ầm trong đêm, bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng trăn trở “làm gì cho anh em trên đảo.” Trường Sa lúc đó vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Điện thì chỉ có vài tiếng đầu giờ tối từ máy nổ, một chiếc tivi duy nhất trên đảo lại chỉ bậm bõm bắt được kênh Thái Lan. Điện thoại cũng không có, nên mọi liên lạc riêng tư với đất liền chỉ là những lá thư vài tháng một lần theo tàu ra đảo.

Những nhu cầu thiết yếu khác như ăn, uống cũng là một vấn đề khi nước ngọt, rau xanh là một thứ “xa xỉ” của lính đảo trong phần lớn thời gian trong năm. Với điều kiện sống đó, những chàng trai đang tuổi đôi mươi dù hàng ngày chuyên tâm rèn luyện vẫn dễ phát sinh những căn bệnh do "stress" và chế độ ăn, uống thiếu chất, thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tổ quân y Trường Sa báo cáo xin phép Ban chỉ huy triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe cho anh em trên đảo. Bắt đầu từ những chiến dịch làm sạch môi trường sống, thu gom, chôn hủy rác thải sinh hoạt; diệt chuột, ruồi; cho đến bổ sung vitamin trực tiếp vào khẩu phần ăn và cấp phát trực tiếp đến từng chiến sỹ.

Để giải quyết vấn đề nước ngọt cho đảo, bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng vận động anh em sáng tạo với các vật liệu tận dụng có sẵn để làm bể chứa nước mưa, kết hợp các biện pháp xử lý nước để đảm bảo lượng nước sinh hoạt và nước phục vụ công tác y tế. Bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng cũng là một trong những người đầu tiên đưa vấn đề trồng rau trên đảo thành một nhiệm vụ và đề nghị đất liền gửi đất, cử chuyên gia nghiên cứu phủ xanh đảo bằng những loại cây phù hợp. Những cây rau sam được ươm cẩn thận trong những vỏ đồ hộp, chậu hỏng do ông trồng, biến thành vườn rau quân y và là bước khởi đầu cho những vườn rau xanh, vườn thuốc Nam ngày nay trên đảo.

Khánh Hòa: Ấn tượng về áo trắng Blouse nơi đảo Trường Sa Lớn ảnh 2Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân tại đảo Trường Sa. (Ảnh: TTXVN phát)

Những việc làm tưởng chừng “rất vụn vặt” ấy đã có hiệu quả rõ rệt góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Môi trường đảo trở nên sạch sẽ, vệ sinh; bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào được tiêu trừ; những bệnh về tiêu hóa giảm hẳn và hầu như không có bất cứ ca bệnh nguy hiểm nào trong suốt thời gian 2 năm bác sỹ Kỳ Dưỡng phục vụ ở Bệnh xá Trường Sa.

“Cái quan trọng nhất mà tổ quân y làm được là lần đầu tiên chiến sỹ trên đảo được tổ chức tập huấn căn bản về kỹ thuật cấp cứu, kiến thức y tế cộng đồng. Điều đó đã giúp các chiến sỹ nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và trực tiếp tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng do quân y phát động. Việc xây dựng ý thức bảo vệ sức khỏe cho những người lính trẻ xa nhà là một điều không hề dễ, nhưng khi đã vào nền nếp, thành thói quen thì tự khắc bệnh tật bị đầy lùi. Đó cũng là niềm tự hào của bản thân tôi mỗi khi nhắc lại những năm tháng ấy,” bác sỹ Nguyễn Kỳ Dưỡng hào hứng cho biết.

Chuyện về ca mổ đẻ đầu tiên tại Trường Sa

Cũng có nhiều kỷ niệm gắn với Trường Sa, Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc, Phó Chủ nhiệm Khoa y học Thể thao-Bệnh viện 175, nguyên Trưởng Bệnh xá Trường Sa Lớn giai đoạn 2010-2011 được biết đến là bác sỹ thực hiện ca mổ sinh con đầu tiên trên quần đảo Trường Sa và cũng là ca sinh nở đầu tiên của người dân trên đảo Trường Sa Lớn.

Chút trầm ngâm nhớ lại ca mổ đầy cảm xúc ngày đó, bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc cho biết ngày bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân ra đời trên đảo Trường Sa Lớn là sự kiện đã được nhắc đến rất nhiều trên báo chí và đó là cũng là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời của bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc.

Tiếng khóc đầu đời của bé Trường Xuân ngày 4/4/2011 nơi nghìn trùng sóng biển trong niềm hạnh phúc của bố mẹ bé mà còn là niềm vui khôn xiết của tất cả lực lượng y tế có mặt trên đảo và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bác sỹ có mặt tại bệnh viện 175 tham gia hỗ trợ qua hệ thống Telemedicine. Riêng với bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc, ca mổ đẻ “mẹ tròn con vuông” giúp anh trút đi áp lực “ngàn cân” khi quyết định vận động sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy ở lại sinh con trên đảo.

Khánh Hòa: Ấn tượng về áo trắng Blouse nơi đảo Trường Sa Lớn ảnh 3Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân từ đảo Trường Sa bằng trực thăng về Bệnh viện Quân y 175 ở TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời điểm đó, công việc chuẩn bị cho ca mổ đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước với sự tham gia của rất nhiều người. Hệ thống Telemedicine được gấp rút hoàn thiện, ê kíp chuyên gia đầu ngành được triệu tập để hỗ trợ từ xa; máu được đất liền gửi trực thăng mang ra cho ca mổ.

Bác sỹ chuyên khoa sản Hồ Xuân Lãm từ bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng gấp rút vượt biển ra đảo để hỗ trợ tổ quân y. Các cơ số thuốc dự phòng cho sản phụ, công tác chăm sóc trẻ sơ sinh được chuẩn bị chu đáo, từ chuyện phân công, luyện tập chuyện tắm cho trẻ đến vaccine chích ngừa trẻ sơ sinh cũng đã được chuẩn bị đầy đủ trước ngày vượt cạn của chị Thúy.

Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh lúc đó, hệ thống trang thiết bị y tế trên đảo rất hạn chế khi đến dao mổ điện để hỗ trợ cầm máu cho phẫu thuật không có, phòng mổ vô trùng cũng không, thì những tình huống bất ngờ vượt tầm kiểm soát đều rất dễ xảy ra. Dù đã tính toán chuẩn bị mọi phương án và rất tin tưởng vào sự thành công của ca mổ, nhưng những ngày đó tâm lý của bác sỹ Hà Ngọc rất căng thẳng. Vì đó là chuyện liên quan đến tính mạng của người dân, là niềm tin của nhân dân trên đảo, niềm tin của đất liền đặt vào anh em quân y trên đảo và còn là trách nhiệm của một trưởng bệnh xá đối với tổ chức, đối với nhân dân.

Áp lực nặng nề khiến thậm chí lúc đó bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc còn xin “Đảo trưởng” không cắt tóc 1 tháng trước đó để “cầu may” theo phong tục các cụ xưa. Vào thời điểm nhạy cảm đó, bên cạnh sự động viên, hỗ trợ của đất liền, hệ thống Telemedicine mới hoàn thiện cũng đã góp phần tạo niềm tin cho lực lượng quân y trên đảo hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể nói, ca mổ sinh đón bé Trường Xuân cũng là lần đầu tiên quân y trên đảo Trường Sa Lớn thực hiện phương pháp Telemedicine một cách bài bản, tận dụng được trí tuệ tập thể của đất liền, tạo thêm sự tự tin cho kíp mổ. Từ sự thành công của ca mổ ấy, nhận thấy tầm quan trọng của công tác hội chẩn từ xa mà hệ thống Telemedicine đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ và ngày nay đã thể hiện rõ hiệu quả thiết thực trong công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe quân dân trên các đảo.

“Chính vì vậy, có thể nói ca sinh mổ đón bé Trường Xuân ra đời thành công là kết quả của tình đoàn kết quân-dân, của ý thức trách nhiệm về tình đồng đội. Cùng với niềm vui chung của gia đình bé, của anh em đồng đội, với tôi còn là niềm tự hào về quyết định đúng đắn của bản thân, tự hào vì đã góp phần để đón một công dân nước Việt ra đời nơi đảo xa như một dấu ấn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc,” Bác sỹ Nguyễn Hà Ngọc nhớ lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục