Khi lực lượng không gian “trỗi dậy” ở khu vực châu Á

Tiếp theo việc Tổng thống Mỹ cho phép thiết lập Lực lượng Không gian Mỹ, các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng bước đi tương tự trong quá trình thiết lập các đơn vị đặc biệt kiểu này.
Khi lực lượng không gian “trỗi dậy” ở khu vực châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Defense.gov)

Theo trang mạng The Diplomat, tháng 2/2019, “Chỉ thỉ về chính sách không gian” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó cho phép thiết lập một Lực lượng Không gian Mỹ, đã nhận được sự quan tâm chú ý của báo giới.

Mặc dù vậy, đây không phải là lần đầu tiên một lực lượng quân sự thiết lập một nhánh đặc biệt chỉ huy các hoạt động không gian.

Thực ra, cần tập trung nhiều hơn nữa vào câu hỏi liệu những bước tiến quan trọng này có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh châu Á cũng như những hàm ý của nỗ lực thiết lập các lực lượng và bộ chỉ huy không gian.

Trước hết, cần thừa nhận rằng một vài nước đang trong quá trình thiết lập các đơn vị đặc biệt kiểu này. Lực lượng không gian Mỹ chỉ là một lực lượng mới nhất vì các nước khác đang trong quá trình thiết lập.

Ví dụ, Trung Quốc đã thiết lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (PLASSF) hồi năm 2015, hợp nhất với năng lực chiến tranh điện tử, mạng và không gian của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Đây được xem là bước cải tiến quan trọng liên quan thể chế hoạt động của bộ máy quân sự Trung Quốc. Nga cũng có bước cải tiến tương tự khi thành lập Lực lượng Không gian Nga năm 2011 và thuộc Lực lượng Phòng thủ Không gian vũ trụ Nga.

Tương tự, Ấn Độ dường như cũng đang trong quá trình thành lập một bộ chỉ huy không gian đặc biệt.

Thứ hai, điều quan trọng cần lưu ý rằng mặc dù cái tên nghe có vẻ như là một lực lượng chiến đấu, song lực lượng không gian có nhiệm vụ chính yếu là giúp đem lại sự tích hợp lớn hơn về mặt chức năng và sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các đơn vị liên quan.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh thành lập Bộ chỉ huy không gian]

Thứ ba, cần nắm rõ những thông tin chi tiết nào sẽ được công khai trên những diễn đàn về chính sách công bởi chủ nghĩa gây hoang mang cũng có thể là nhân tố tiêu cực.

Việc thành lập các lực lượng và bộ chỉ huy không gian không nhất thiết đồng nghĩa với các nước sắp tham gia vào một cuộc chiến không gian vũ trụ.

Chúng ta cần có cái nhìn thực tế về bản chất giới hạn của những nỗ lực hiện nay, cho dù chúng ta không bỏ qua những khả năng phát triển vốn có thể định hướng nhiều hơn đến một cuộc chiến thực sự trong tương lai.

Vấn đề là chúng ta vẫn có thời gian để ngăn cản những bước phát triển nguy hiểm như vậy.

Thứ tư, điều quan trọng là cần hiểu được những lý do cơ bản khác nhau đằng sau các quyết định thành lập các lực lượng này.

Ví dụ, Lực lượng Không gian Mỹ có thể được coi là kết quả của tình hình an ninh ngày càng tồi tệ hơn và cũng là hệ quả của chính sách chính trị của một cường quốc.

Trong vài chục năm đầu của thời kỳ không gian vũ trụ, vấn đề không gian vũ trụ phần lớn không bị chi phối bởi các vấn đề địa chính trị. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm qua, điều này đã thay đổi.

Ngày nay, khi xuất hiện những nguy cơ bất ổn an ninh lớn hơn thì điều này lại có tác động đến vấn đề không gian vũ trụ. Chúng ta không thể bỏ qua những thực tế chính trị vốn đang thúc đẩy những diễn biến nói trên.

Thứ năm, chúng ta cần hiểu rõ về những mối nguy hại xuất phát từ những phát triển này. Một trong những mối nguy hại đó là ngày càng có nhiều nước sẽ “theo gót nhau” để thành lập các bộ chỉ huy không gian đặc biệt.

Khi không gian bắt đầu đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động quân sự và an ninh, bao gồm cả những hoạt động truyền thống, thì các nước sẽ tìm kiếm sự phối hợp nỗ lực lớn hơn và kết quả là sẽ tiến tới thành lập các bộ chỉ huy đặc biệt nói trên.

Nhu cầu về sự phối hợp lớn hơn trong các hoạt động không gian là dễ hiểu, nhất là việc khai thác ưu thế của không gian vũ trụ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với cuộc chiến tranh trên mặt đất.

Tuy nhiên, sự phối hợp như vậy cũng có thể do các đơn vị dân sự đảm nhiệm chứ không nhất thiết là các đơn vị quân sự.

Chúng ta cần phát triển các mô hình thay thế mà không bỏ qua nhu cầu phối hợp lớn hơn giữa các chính phủ song lại không cho rằng sự phối hợp này chỉ có thể do các bộ chỉ huy quân sự thực hiện.

Một mối nguy hại thực sự là liệu điều này sẽ dẫn đến một tình huống lưỡng nan về an ninh giữa các nước trong vấn đề không gian vũ trụ vốn làm nảy sinh mong muốn phát triển thêm lực lượng và bộ chỉ huy không gian hay không.

Đây là mối nguy hại nhất là khi những nỗ lực mới này đang được các lực lượng quân sự dẫn dắt. Khi một số cường quốc phát triển lực lượng không gian của mình kèm theo đó là sự không chắc chắn lý do vì sao họ lại làm như vậy thì tác động thể hiện rõ ở đây là các nước khác sẽ “học đòi” theo.

Ngay cả khi không bên nào mong muốn thì chúng ta vẫn có thể đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc đua vũ trang về lĩnh vực không gian vũ trụ, do sự “học đòi” này. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu cách thức để ngăn chặn nguy cơ này có thể xảy ra.

Thứ sáu, chúng ta cần tìm các giải pháp để giúp giải quyết những nguy cơ nói trên. Đối thoại minh bạch hơn có thể là một cách hữu ích, nhất là khi những nỗ lực này đang được thúc đẩy bởi nhu cầu phối hợp lớn hơn là nhu cầu can dự vào chiến tranh quân sự.

Sự minh bạch và cởi mở lớn hơn là giải pháp duy nhất có tính khả thi xét trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế tổng thể và bản chất của nền chính trị nước lớn hiện nay.

Khi có một lý do thực sự và dễ hiểu để thành lập các cơ quan phối hợp đặc biệt thì sự minh bạch lớn hơn có thể giúp tránh được sự hiểu nhầm giữa các cường quốc.

Ngoài ra, cũng cần có nỗ lực ban đầu để ngăn cản có nhiều nước hơn thành lập các lực lượng không gian. Cũng có thể đạt được sự thông hiểu cơ bản giữa các cường quốc về những gì mà họ làm và không làm trong quá trình lập các lực lượng này.

Ví dụ, ở cấp độ mà những nỗ lực thành lập lực lượng không gian được thúc đẩy bởi nhu cầu phối hợp lớn hơn ở cấp quốc gia, thì các nước có thể nhất trí để cho các lực lượng này dưới tầm kiểm soát của các cơ quan dân sự chứ không nhất thiết là cơ quan quân sự.

Điều này nhằm đảo bảo không quân sự hóa các nỗ lực phối hợp như vậy.

Tất cả những điều này không nhằm giảm tối thiểu những thách thức do mối quan tâm gia tăng về không gian vũ trụ gây ra.

Tuy nhiên, cần nói rằng với những vấn đề gây hoang mang mà chúng ta chứng kiến, có thể vẫn còn thời gian để chúng ta tránh được vấn đề an ninh mới liên quan không gian vũ trụ.

Điều này đòi hỏi mối quan tâm lớn hơn đến vấn đề này, tức là vừa tránh để xảy ra tình trạng gây hoang mang về lực lượng không gian cũng như hiểu được và chấp nhập nhu cầu phối hợp lớn hơn giữa các cơ quan, vừa phải kiến tạo các quy định và luật lệ để đảm bảo rằng những nỗ lực này không bị quân sự hóa.

Cách tiếp cận cân bằng như vậy có thể giúp chúng ta tối đa hóa cơ hội và giảm thiểu thách thức trong lĩnh vực này trong những năm tới đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục