Khi sự thống trị toàn cầu về tài chính của Mỹ bị đe dọa

Cựu tướng quân Mỹ cảnh báo việc Mỹ lạm dụng quyền lực thống trị về tài chính của mình thông qua trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đã đẩy các đồng minh và đối thủ đi đến việc xây một cấu trúc tài chính khác.
Khi sự thống trị toàn cầu về tài chính của Mỹ bị đe dọa ảnh 1Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng 1/2020, một cựu tướng quân Mỹ đã phát biểu tại một cuộc họp của các nhà tài chính toàn cầu cao cấp, cảnh báo rằng Washington đang tỏ ra yếu đuối trong việc đối phó với các mối đe dọa phức tạp nhất kể từ sau cuộc chiến tranh lạnh, từ vấn đề Iran và Nga đến cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 mới.

Trong bối cảnh đó, cựu tướng quân cũng nhắc đến một mối đe dọa ít hiện hữu hơn nhiều. Đó là việc Mỹ lạm dụng quyền lực thống trị về tài chính của mình, thông qua việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, đã đẩy các đồng minh và đối thủ đi đến việc xây dựng một cấu trúc tài chính khác.

Từ vị thế bá chủ thế giới

Theo tờ Economist của Anh, hệ thống tài chính thế giới được tạo thành từ các tổ chức, các loại tiền tệ và công cụ thanh toán, trong đó những thế lực sai khiến khả năng thanh khoản vô hình đang nuôi dưỡng dòng chảy kinh tế thực trên toàn thế giới. Mỹ là trung tâm của hệ thống này từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhiều người cho rằng hiện trạng đã quá vững chắc để có thể bị thách thức, nhưng tình hình không còn như thế nữa. Một đế chế tài chính riêng biệt đang hình thành trong thế giới của các nước mới nổi với các trụ cột khác nhau và một chủ nhân mới.

Thế lực bá chủ được chờ đợi về mặt tài chính, cũng như về địa chính trị là Trung Quốc. Sự trỗi dậy của nước này đang giằng kéo hệ thống tài chính toàn cầu. Trung Quốc ngày nay chiếm 15,5% GDP toàn cầu, tăng từ mức 3,6% của năm 2000. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc đan sâu vào mạng lưới thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nước này có ít sức nặng trong hệ thống tài chính. Do đó, Bắc Kinh coi việc điều chỉnh lại sự bất tương xứng này là rất quan trọng nhằm giành lấy vị thế cường quốc.

Trụ cột đầu tiên của hệ thống tài chính toàn cầu được đặt ra năm 1944, với sự thành lập của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và trật tự tiền tệ toàn cầu tại Bretton Woods, New Hampshire. Với việc đã cung cấp vũ khí cho các đồng minh trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ sở hữu phần lớn vàng của thế giới. Điều này đã giúp họ định giá các sản phẩm của mình.

Trong khoảng thời gian đó, phần lớn châu Âu và châu Á nằm trong đống đổ nát. Hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi trong thời gian giữa hai thế chiến đã trở nên không ổn định. Do đó, quyết định đã được đưa ra rằng tất cả các loại tiền tệ sẽ được gắn với đồng USD và đồng USD gắn với vàng. Điều đó làm cho đồng bạc xanh thành đồng tiền dự trữ mới của thế giới. Hai thập kỷ sau, sức mạnh kinh tế của Nhật Bản và Đức tăng lên, cùng với việc Mỹ in ra rất nhiều tiền đã làm cho các mối quan hệ neo gắn trên không trụ lại được. Hệ thống tan rã nhưng “tiêu chuẩn USD” vẫn tồn tại.

Trong những năm 1970, nước Mỹ cũng giành được sự thống trị đối với hệ thống thanh toán toàn cầu. Các ngân hàng Mỹ, khi đó bị cấm hoạt động bên ngoài biên giới bang, đã tập hợp lại với nhau để phát triển hệ thống nhắn tin liên ngân hàng và mạng lưới ATM trên toàn quốc. Các ngân hàng cũng hợp tác với nhau để tạo ra “các chương trình” thẻ tín dụng - các hiệp hội đề ra quy định và hệ thống mà thông qua đó các thành viên xử lý những khoản thanh toán được thực hiện bằng thẻ tín dụng.

Các hệ thống đó được hợp nhất khi hai mạng thẻ lớn (chẳng bao lâu sau đó được đặt tên là Visa và MasterCard) mua hai công ty ATM lớn nhất để mở rộng ra nước ngoài. Bằng cách cho phép các cá nhân mua sắm ở bất cứ đâu, thẻ và máy rút tiền trở thành cơ sở hạ tầng chủ đạo cho việc di chuyển các khoản tiền nhỏ trên toàn thế giới.

Một cuộc cách mạng đã sớm xảy ra trong việc di chuyển các khoản giá trị lớn. Trong hệ thống “telex” cũ kỹ, một khoản thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng đòi hỏi phải trao đổi nhiều tin nhắn văn bản miễn phí, một quá trình dễ dẫn đến những sai sót của con người. Năm 1973, một nhóm các ngân hàng đã tham gia để tạo ra SWIFT, một dịch vụ nhắn tin tự động gán một mã duy nhất cho mỗi chi nhánh ngân hàng. SWIFT từ đó trở thành ngôn ngữ chung cho những thanh toán hàng loạt.

Công nghệ mới đã thúc đẩy các ngân hàng của Mỹ, được trang bị tốt hơn, theo đuổi các khách hàng ở nước ngoài và các thị trường vốn nhờ việc số hóa tài sản giấy. Nhật Bản và Đức, sau khi tái thiết và có nhiều tiền tiết kiệm, đã để những đồng USD của mình vào trái phiếu kho bạc. Sự bùng nổ của lĩnh vực nhà ở đã sinh ra chứng khoán được hỗ trợ bởi tài sản. Từ năm 1980 đến 2003, nguồn cung chứng khoán Mỹ đã tăng từ mức 105% lên gấp ba lần GDP, tạo bàn đạp quốc tế cho các ngân hàng đầu tư nước này.

Sau một sự thay đổi lớn về quy định trong thập niên 1990, những ngân hàng này đã sáp nhập với các ngân hàng thương mại. Đến năm 2008, 35 công ty đã trở thành bốn tập đoàn lớn đó là Citigroup, Wells Fargo, JPMorgan Chase và Bank of America.

[Đại dịch COVID-19 có khiến Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại?]

Sức hút của Mỹ trong hệ thống vẫn rất lớn. Khi các thảm họa xảy ra, đồng USD tăng giá. USD vẫn là nơi trú ẩn giá trị an toàn nhất và là phương tiện hối đoái chính của thế giới. Điều đó làm cho cơ quan phát hành đồng USD trở thành “người điều hành” các thị trường toàn cầu. Năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền mặt chung trên toàn thế giới bằng cách cung cấp “các dòng hoán đổi” cho ngân hàng trung ương các nước giàu có, cho phép họ vay USD bằng chính đồng nội tệ của mình.

Khi sự hoảng loạn lại xảy ra ở các thị trường hồi tháng Ba này, Fed đã mở rộng sự hỗ trợ này cho một số quốc gia mới nổi. Đến tháng Tư, Fed mở rộng hơn nữa, cho phép hầu hết các ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế trao đổi các tài sản thế chấp nợ của Mỹ để lấy đồng bạc xanh, do đó đã ngăn chặn được tình trạng hoảng loạn.

Hệ thống thanh toán tài chính thế giới cũng vẫn nằm dưới sự khống chế của Mỹ. 11.000 thành viên của SWIFT trên toàn thế giới nhắn tin cho nhau 30 triệu lần mỗi ngày. Hầu hết các giao dịch quốc tế mà họ thực hiện cuối cùng đi qua New York và được xử lý bởi các ngân hàng “thông tín viên” Mỹ tại CHIPS - một công ty thanh toán bù trừ xử lý các khoản thanh toán trị giá 1.500 tỷ USD mỗi ngày. Visa và Mastercard xử lý 2/3 thanh toán thẻ trên toàn cầu, theo công ty dữ liệu Nilson Report. Các ngân hàng Mỹ chiếm 52% phí ngân hàng đầu tư của thế giới.

Các yếu tố thúc đẩy sự thay đổi

Trong bối cảnh hiện nay, có ba điều đang thúc đẩy sự thay đổi. Thứ nhất, yếu tố “thúc đẩy” địa chính trị. Vai trò chủ chốt của Mỹ cho phép nước này làm tê liệt đối thủ bằng cách từ chối không cho tiếp cập vào nguồn cung thanh khoản của thế giới. Tuy nhiên, cho đến tận gần đây, Mỹ đã kiềm chế làm như vậy.

Hệ thống tài chính được coi là cơ sở hạ tầng trung lập để thúc đẩy thương mại và thịnh vượng. Những rạn nứt đầu tiên xuất hiện sau năm 2001, khi Washington bắt đầu sử dụng hệ thống này ngăn chặn việc tài trợ cho khủng bố. Tội phạm có tổ chức và phổ biến hạt nhân cũng sớm được đưa vào danh sách.

Khi sự thống trị toàn cầu về tài chính của Mỹ bị đe dọa ảnh 2Quang cảnh New York. (Nguồn: timeout.com)

Juan Zarate, cựu cố vấn của Tổng thống George W. Bush, người đã đưa ra chương trình ban đầu, nói rằng Mỹ đã thuyết phục các đồng minh bằng cách xem các nhóm này là các mối đe dọa đối với an ninh quốc tế và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính.

Năm 2014, dưới thời Tổng thống Barack Obama, vũ khí này đã có thêm hiệu lực. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Washington đã trừng phạt các đầu sỏ chính trị, các công ty và toàn bộ các lĩnh vực của “xứ Bạch dương”. Tuy nhiên, thời Tổng thống Donald Trump, hệ thống được được nâng lên và sử dụng như một loại vũ khí để chống lại các đồng minh. Sau khi nhắm vào công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu, Mỹ tiếp tục tăng cường trừng phạt đối với Iran.

Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các biện pháp trừng của Washington hiện cũng ngày càng được sử dụng kết hợp với các hạn chế khác nhằm trấn áp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bộ Thương mại Mỹ đã duy trì một danh sách thực thể mà các công ty khác không được giao thương. Một trong số đó liên quan đến việc cấm xuất khẩu cho các công ty mà Bộ này nghi ngờ. Danh sách đã tăng từ 51 năm 2016 lên 159 cái tên vào tháng Ba vừa qua. Các thực thể Trung Quốc chiếm 2/3 số tăng thêm này. Các Bộ khác cũng đang chạy đua để được xem là “cứng rắn” với Trung Quốc nhất.

Trong ngắn hạn, bản chất không minh bạch của toàn bộ hệ thống sẽ làm gia tăng tác động của các lệnh trừng phạt, song nó cũng tạo ra một động lực mạnh mẽ để những “người chơi” khác tìm cách giải quyết, và công nghệ đang ngày càng cung cấp các công cụ cần thiết để xây dựng giải pháp.

Những tiến bộ như vậy là kết quả của động lực thứ hai của các xu hướng mới, đó là “sức hút” của những nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu ở các nền kinh tế mới nổi. Các công ty công nghệ có tầm nhìn nhận thấy hiện khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới có rất ít quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính. Được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào và các quy định dễ dàng, những công ty này đã tạo ra các hệ thống có chi phí vận hành thấp.

Một số cũng nhắm vào hỗ trợ thương mại ở các khu vực, nơi thẻ tín dụng là hiếm, nhưng điện thoại di động lại phổ biến. Được hỗ trợ bởi thị trường nội địa khổng lồ, “các siêu ứng dụng” của Trung Quốc chạy các hệ sinh thái trong đó người dùng chi tiêu theo cách của mình mà không phải sử dụng đồng tiền thật.

Yếu tố tiếp theo là COVID-19, đại dịch có thể dẫn đến điểm tới hạn. Hệ thống thương mại toàn cầu, bị cản trở bởi việc các loại thuế quan tăng, sẽ phân mảnh nhiều hơn. Do tình trạng đình trệ kinh tế gây ra sự thiếu hụt cục bộ, các chính phủ muốn cắt ngắn các chuỗi cung ứng. Điều đó sẽ trao cho các cường quốc khu vực như Trung Quốc nhiều không gian hơn để viết lại các quy tắc của riêng mình. Cùng với đó, sự sụp đổ về kinh tế ở Mỹ (nếu có) có thể làm giảm lòng tin vào khả năng trả nợ của nước này, điều hỗ trợ cho các trái phiếu và đồng tiền của Mỹ.

Quan trọng nhất, cuộc khủng hoảng này gây tổn hại niềm tin của các quốc gia khác rằng Mỹ thích hợp với vai trò lãnh đạo. Mỹ đã bỏ qua các cảnh báo sớm và sai lầm trong phản ứng ban đầu. Trung Quốc có lỗi làm cho cuộc khủng hoảng này xấu thêm - chính những sai lầm của Trung Quốc đã giúp xuất khẩu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng kiểm soát tình hình và hiện đang làm chủ năng lực phòng chống dịch trong nước.

Lâu nay, khả năng đảm bảo sự thịnh vượng toàn cầu của Mỹ là chất keo giữ trật tự tài chính lại với nhau. Tuy nhiên, với việc tính hợp pháp của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, các cuộc tấn công mới vào hệ thống tài chính thế giới dường như là không thể tránh khỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục