Khó xác định nguyên nhân 3 thuyền viên mất tích ở biển Nhật Bản

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết nếu không tìm được 3 thuyền viên mất tích ở vùng biển Nhật Bản ngày 8/10 thì sẽ rất khó biết được nguyên nhân của vụ việc.

Chiều 16/10, thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết nếu không tìm được ba thuyền viên mất tích ở vùng biển Nhật Bản thì sẽ rất khó biết được nguyên nhân vụ việc.

Thông tin của các công ty cung ứng thuyền viên đều cho biết khả năng bơi của các thuyền viên Việt Nam là rất tốt. Trên tàu này có 21 thuyền viên Việt Nam, trong đó có những thành viên đã làm trên tàu này từ 2013, có những thuyền viên mới sang. Ba trong số các thuyền viên này đã mất tích vào ngày 8/10.

Ông Tống Hải Nam nhấn mạnh vụ 3 thuyền viên Việt Nam mất tích có thể do rủi ro nhưng "nếu nói về lý do vì mức thu nhập, điều kiện sống kém mà bỏ trốn thì chắc không phải, bởi nếu đối xử không tốt thì tất cả các thuyền viên đã bỏ trốn."

Lao động Việt Nam làm việc trên tàu cá nước ngoài đều là những người ở vùng biển, có kinh nghiệm đi biển. Ngoài việc đủ điều kiện về sức khỏe, tay nghề, các thuyền viên đều được doanh nghiệp cung ứng thông tin đầy đủ về pháp luật, mức lương, chế độ đãi ngộ. Vì vậy, hiện nay vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân mất tích của ba thuyền viên này.

Ông Tống Hải Nam cho biết thêm, có hai loại tàu cá gồm tàu cá biển gần (đi biển trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng) và tàu cá xa bờ (thường đi biển 6-10 tháng đánh bắt ở vùng biển sâu, biển xa). Hàng năm, Việt Nam đưa người lao động đi làm thuyền viên tàu cá chiếm không nhiều trong tỷ trọng chung của xuất khẩu lao động.

Năm 2014, Việt Nam đã đưa khoảng 100.000 lao động đi làm thuyền viên nghề cá. Đối với thị trường Hàn Quốc đưa được khoảng hơn 1.200 lao động Việt Nam đi làm thuyền viên tàu cá biển gần. Đối với thuyền viên biển xa, chủ yếu Việt Nam đưa lao động đi làm việc cho các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản với số lượng hàng năm 1.500-2.000 người.

Trong hai năm (2014-2015) Đài Loan đã dừng nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực thuyền viên tàu cá biển gần và lao động giúp việc gia đình. Sau hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam và Đài Loan tháng 4/2015, Đài Loan mới mở cửa trở lại, chính thức tiếp nhận trở lại lao động thuyền viên tàu cá gần bờ đối với lao động Việt Nam,.

Hiện nay, Việt Nam và Đài Loan đang bàn quy trình và thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp được cung ứng thuyền viên tàu cá biển gần cho Đài Loan. Như vậy, hiện nay, Việt Nam đưa lao động thuyền viên tàu cá đi làm việc tại ba thị trường chính gồm Hàn Quốc (cả thuyền viên tàu cá biển xa và thuyền viên tàu cá biển gần) Nhật Bản, Đài Loan (chủ yếu là thuyền viên tàu cá biển xa).

Ông Tống Hải Nam cho biết mức lương của lao động thuyền viên tàu cá gần bờ bằng với lao động làm trên bờ. Ví dụ như tại Hàn Quốc, mức lương của lao động trên bờ tính theo tiền won, quy đổi ra được khoảng 1.000 USD/tháng, lao động thuyền viên tàu cá gần bờ cũng có mức lương như vậy.

Mức lương đối với thuyền viên tàu cá xa bờ sẽ thấp hơn vì đi ra khơi không phải mất bất cứ chi phí nào nhưng bù lại, ngoài mức lương đó sẽ được thưởng nhiều.

Cách đây 5-7 năm, mức lương đối với thuyền viên tàu cá xa bờ chỉ dao động từ 180-210 USD/tháng đối với thuyền viên không có kinh nghiệm (lần đầu tiên đi theo các tàu cá nước ngoài).

Đối với các lao động có kinh nghiệm sẽ có mức lương cao hơn, khoảng 270-280 USD. Nhưng gần đây, do nhu cầu đối với thuyền viên tàu cá là tương đối cao nên mức lương đàm phán được tăng lên.

Hiện, lao động đi làm việc trên các tàu cá xa bờ đối với lao động không có kinh nghiệm ở cả ba thị trường trên xấp xỉ 450 USD. Đối với thuyền viên đã có kinh nghiệm, mức lương từ 900-1.000 USD/tháng.

Đối với chế độ tái hòa nhập của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về, ông Tống Hải Nam thông tin hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể đối với việc tái hòa nhập đối với các lao động xuất khẩu lao động, trong đó có lao động thuyền viên tàu cá.

Tuy nhiên, hầu hết các thuyền viên tàu cá khi rời tàu về quê với đồng vốn tích lũy được để sắm tàu to hơn; cũng có những thuyền viên coi chuyện làm việc trên các tàu cá nước ngoài như một nghề truyền thống, nếu còn đủ sức khỏe, về quê hương một thời gian người lao động lại đăng ký đi làm việc tại các tàu nước ngoài…/.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục