Khoa học công nghệ: ‘Chìa khóa’ nâng cao năng suất ngành công nghiệp

Giai đoạn 2021-2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đặt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp ở mức 7,5%.
Khoa học công nghệ: ‘Chìa khóa’ nâng cao năng suất ngành công nghiệp ảnh 1Diễn đàn năng suất chất lượng do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả, 95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi dự án kết thúc; trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng."

Đây là những "con số biết nói" về hiệu quả, tính bền vững và lan tỏa từ các mô hình điểm của dự án nâng cao năng suất chất lượng và chất lượng sản phẩm ngành công thương từ 2012-2020 và cũng là chủ đề chính của “Diễn đàn năng suất chất lượng ngành công thương năm 2020,” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.

Những kết quả tích cực

Trong những năm qua, các hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tổng Công ty May 10 luôn trên đà phát triển nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật mới.

Điều này tiếp tục được chứng minh và khẳng định trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 và giải pháp về kỹ thuật là một trong những yếu tố then chốt để quyết định công ty có đơn hàng cũng như vượt qua khó khăn.

[12 đội vào chung kết cuộc thi nhóm cải tiến năng suất chất lượng]

Đại diện May 10 cho biết trước đây doanh nghiệp quan tâm nhiều đến khâu may vì đây là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất ra chuyền. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thật sự cao khi cắt không đáp ứng được.

Vì vậy, với hướng đi mới, tập trung vào việc cải thiện khâu cắt, bằng việc đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động đã giúp doanh nghiệp giải quyết dễ dàng bài toán thiếu lao động, giảm ít nhất 2 lao động thủ công/1 máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn.

“Việc nghiên cứu trước sản xuất là yếu tố quyết định tại thời điểm này vì đơn hàng vào là đi ngay nên cần tập trung nhất để đáp ứng về năng suất và thời gian giao hàng,” đại diện May 10 thông tin.

Tượng tự, với Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Sau khi xây dựng thành công và đưa vào áp dụng các hệ thống quản lý ISO/TS 16949 và cải tiến hiện trường từ dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử, giá trị tổng sản lượng từ con số 450 tỷ đồng năm 2014 đã vọt lên 230 tỷ đồng vào năm 2020. Ngoài ra, năng suất lao động bình quân năm 2014 là 45 triệu đồng/người/tháng đã đạt 72 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020.

“Thương hiệu của công ty được nâng lên, nhiều khách hàng mới tìm đến, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành ôtô, khai thác dầu khí và xuất khẩu ra nước ngoài,” đại diện Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên chia sẻ.

Có thể thấy, từ phía các doanh nghiệp sản xuất, những nỗ lực cải tiến không ngừng về khoa học công nghệ và trình độ quản lý đã tạo ra những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đánh giá kết quả sau 8 năm triển khai dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), nhấn mạnh mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Điển hình như 468 mô hình điểm được xây dựng sau 10 năm triển khai dự án thuộc 8 ngành chủ lực theo Quyết định 604. Cùng với đó, 66 đơn vị tư vấn tham gia triển khai các nhiệm vụ của dự án, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là đơn vị/doanh nghiệp tư vấn về cải tiến năng suất chất lượng; 15 Phòng thử nghiệm được hỗ trợ xây dựng, cập nhật hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025: 2017…

Đáng chú ý, tỷ trọng các doanh nghiệp vừa được hỗ trợ chiếm 38,6% (quy mô vốn từ 20-100 tỷ đồng), tiếp theo là doanh nghiệp lớn, chiếm 34,2% (quy mô vốn trên 100 tỷ đồng), doanh nghiệp nhỏ chiếm 27,2%.

“95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%. Việc duy trì và mở rộng các mô hình điểm đã cho thấy tính bền vững của các kết quả dự án cũng như tính lan tỏa từ các kết quả bước đầu của dự án,” ông Đào Trọng Cường nói.

Phương pháp tiếp cận mới

Với chủ đề “Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng-Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Diễn đàn năng suất, chất lượng năm nay mang đến một cái nhìn toàn cảnh về kết quả triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, dự án nhấn mạnh đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương nâng cao năng suất chất lượng thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tại doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực, giúp doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động cải tiến; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình điểm...

Bên cạnh đó, chương trình cũng tập trung xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực, gồm: dệt may, hàng da giày, sản phẩm nhựa, ngành thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin…

Khoa học công nghệ: ‘Chìa khóa’ nâng cao năng suất ngành công nghiệp ảnh 2Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại diễn đàn năng suất chất lượng ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030), các hoạt động của Chương trình sẽ tiếp cận một cách toàn diện để giải quyết vấn đề năng suất và cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, các hoạt động triển khai sẽ gắn với toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như vòng đời sản phẩm, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ quản trị gắn với công nghệ sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi số đồng thời phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Ông Hưng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động và mạnh mẽ hơn nữa trong các chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó ưu tiên đến vấn đề đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình quản lý nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh tại đơn vị của mình.

“Chúng tôi hy vọng có được sự tham gia, phối hợp nhiều hơn nữa để triển khai các hoạt động; tăng cường gắn kết với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy cộng đồng các doanh nghiệp cùng phát triển,” ông Cao Quốc Hưng nói./.

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”. Đây là một trong 9 Dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Giai đoạn 2021-2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%...

Cùng với đó, Chương trình cũng phấn đấu 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục