Không ít tạp chí khoa học đưa những nghiên cứu sai lệch về COVID-19

Dư luận ngày càng quan tâm đến dịch bệnh và cuộc tranh luận tại Mỹ về việc làm cách nào để đối mặt với dịch đã tạo điều kiện lan truyền các tài liệu nghiên cứu chưa chính xác.
Không ít tạp chí khoa học đưa những nghiên cứu sai lệch về COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nghiên cứu khoa học có phương pháp luận kém và các phát hiện không chính xác đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thông tin sai lệch về dịch COVID-19, khiến mọi người do dự trong việc tiêm vaccine, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Dư luận ngày càng quan tâm đến dịch bệnh và cuộc tranh luận tại Mỹ về việc làm cách nào để đối mặt với dịch đã tạo điều kiện lan truyền các tài liệu nghiên cứu chưa chính xác, trong đó có nghiên cứu của những người phản đối tiêm vaccine. Ngay cả khi một nghiên cứu nào đó bị phản ứng thì cũng đã quá muộn.

Ông Emerson Brooking, học giả cấp cao tại bộ phận chuyên xác định và chỉ ra những thông tin sai trái thuộc Atlantic Council, cho biết: “Khi một tài liệu nghiên cứu được công bố, hậu quả là không thể rút lại."

Các tài liệu không chính xác này “đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa” hoài nghi trong mùa dịch COVID-19 và các học thuyết âm mưu. Chúng thường là chủ đề cho các lan truyền trên mạng.

Thông tin không chính xác về vaccine bị coi là đặc biệt nguy hiểm, vào thời điểm tốc độ tiêm phòng tại Mỹ đang chậm lại. Giới chức y tế cho biết hầu hết ca tử vong gần đây vì COVID-19 là những người chưa tiêm phòng.

[Giới chức y tế Mỹ: Biến thể Delta có thể gây ra nhiều ca bệnh nặng]

Cuối tháng Sáu vừa qua, tạp chí y khoa Vaccines đã công bố một tài liệu mang tên “An toàn của việc tiêm phòng - chúng ta nên nghĩ lại chính sách này."

Tài liệu đã nhận được hơn 250.000 lượt xem trên Facebook. Nhưng sau đó tạp chí trên đính chính về tài liệu này, nói rằng “có một số nhầm lẫn ảnh hưởng căn bản đến cách diễn giải các phát hiện."

Hậu quả là ít nhất bốn thành viên ban lãnh đạo tạp chí đã phải từ chức, trong đó có bà Katie Ewer, một giáo sư về miễn dịch tại Viện nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford.

Bà Ewer, người không liên quan đến việc đăng bài viết trên, cho biết: “Phải thừa nhận rằng tài liệu trên đã có tác động rất lớn….điều này rất đáng lo ngại, đặc biệt là với một tạp chí chuyên về vaccine."

Ngay cả một vài trong số các tạp chí khoa học lớn nhất thế giới, như The Lancet và the New England Journal of Medicine, cũng đã phải rút bài đăng các tài liệu nghiên cứu liên quan đến khủng hoảng dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục