Lãi suất huy động tại ngân hàng hạ nhiệt song áp lực vẫn còn

Mặc dù lãi suất trong nước có phần giảm nhẹ nhưng chuyên gia cho rằng áp lực tăng sẽ vẫn còn khi các ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục có kế hoạch tăng lãi suất.
Lãi suất huy động tại ngân hàng hạ nhiệt song áp lực vẫn còn ảnh 1Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm từ 0,1%/năm đến 1%/năm lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi suất vẫn còn nhiều áp lực trong nửa đầu năm 2023. 

Lãi suất cao nhất 9,5%

Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), hiện mức lãi suất cao nhất áp dụng tại ngân hàng là 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online tại kỳ hạn 15-36 tháng.

Trong khi trước đó, 9,6%/năm là mức lãi suất ưu đãi nhất cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 tháng.

Tương tự, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện là 9,2%/năm với khách hàng Private/VIP 1 gửi từ 3 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12-36 tháng (trước đó là 9,5%/năm). Các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng giờ cũng chỉ được lãi suất 8,5%/năm thay vì mức trên 9% như trước Tết.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng (PVCombank) cũng có hiện tượng tương tự. Trước đây, lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) hiện mức lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm thay vì 10% hồi trước Tết; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) từ 9,8%/năm xuống còn 9,5%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank) từ 9,5%, hiện tại chỉ còn 8,9%/năm; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng hạ lãi suất huy động từ xuống còn 9,5% áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, cả online lẫn tại quầy (trước đó là 10,5%/năm).

Ở khối Big 4, lãi suất nhìn chung không có nhiều thay đổi so với trước tết. BIDV và VietinBank đều đang có lãi suất cao nhất 8,2%. Theo sau là Agribank 7,9%/năm, Vietcombank 7,4%/năm.

Các chuyên gia cho rằng trong năm 2023, tỷ giá và thanh khoản được dự báo sẽ không quá quan ngại, nhưng lãi suất sẽ là câu chuyện được quan tâm nhất của doanh nghiệp và cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

Việc duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định và hướng dòng vốn vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cả thách thức đặt ra cho hệ thống ngân hàng trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới, qua đó giúp kìm hãm đà tăng của lãi suất.

''Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã khống chế lãi suất không để vượt quá 9,5% song đây vẫn là mức tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây đồng thời các ngân hàng lớn như nhóm Big 4 hiện cũng chỉ đang niêm yết mức lãi suất quanh mức 7%-8%/năm. Thậm chí với các kỳ hạn dài, các ngân hàng này cũng để mức lãi suất không quá cao. Điều đó như một tín hiệu cho thấy lãi suất thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng,'' ông Hiển nhận định.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt để đảm bảo được niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó tiếp tục cung ứng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng cứu trợ.

Áp lực tăng lãi suất vẫn còn

Mặc dù lãi suất trong nước có phần giảm nhẹ nhưng chuyên gia của các công ty chứng khoán cho rằng áp lực tăng sẽ vẫn còn khi các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang có kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý 4/2022 và vẫn đang còn rất lớn. Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.

Trên cơ sở đó, báo cáo của VCBS đưa ra dự báo lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5 điểm %.

Lãi suất huy động tại ngân hàng hạ nhiệt song áp lực vẫn còn ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng đánh giá mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Hơn nữa, Fed vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.

"Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý 4/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn," nhóm nghiên cứu tại Mirae Asset nhận định.

Chung quan điểm, Công ty chứng khoán Tienphong (TPS) cho hay trong thời gian tới, ngoài yếu tố thâm hụt cán cân vãng lai, thì các hành động của Fed về lãi suất của Mỹ và yếu tố lạm phát trong nước sẽ có tác động khá lớn tới sự điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù Fed đã bày tỏ quan điểm sẽ giảm tốc tăng lãi suất trong thời gian tới, tuy nhiên quyết định của Fed còn phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển nhà máy từ khu vực châu Âu sang Mỹ sẽ là yếu tố gây khó khăn cho Fed trong việc kiểm soát lạm phát và giảm tốc tăng lãi suất trong năm tới.

Các chuyên gia cũng dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý 2/2023, sau đó có thể giảm đáng kể khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Đây cũng là điều Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục