"Phất" lên nhờ dịp Tết

Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên "phất" lên nhờ dịp Tết

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, làng Thanh Tiên lại sôi động hẳn lên bởi không khí rộn ràng của những người thợ và nghệ nhân làng hoa.
Ở Thừa Thiên-Huế, ngoài hoa tươi, người dân còn có thú "chơi" hoa giấy, điển hình là hoa giấy của làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, làng Thanh Tiên lại sôi động hẳn lên bởi không khí rộn ràng của những người thợ và nghệ nhân làng hoa. Từ đây, những sắc hoa đủ màu của làng hoa giấy Thanh Tiên tỏa đi khắp các chợ vùng quê chợ xứ Huế, ra cả Quảng Trị hoặc vào Đà Nẵng.

Làng Thanh Tiên nằm bên bờ nam hạ lưu sông Hương, vốn có làm nghề nông. Tuy nhiên, vào tháng chạp, làng lại rộn rã với nghề làm hoa giấy. Nghề hoa giấy Thanh Tiên có từ lâu đời, nằm trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19 của Đại Nam nhất thống chí. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp.

Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên chính là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng do những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp kéo dài cho đến Tết Nguyên đán. Với sự phong phú và đa dạng, hoa giấy Thanh Tiên đã đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế.

Điểm khác biệt tạo nên vẻ đẹp của hoa giấy Thanh Tiên so với hoa giấy ở các địa phương khác chính là mỗi bông hoa có đầy đủ triết lý Nho học của người phương Đông. Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho quân-sư-phụ, cũng có thể là thiên-địa-nhân hoặc trung-hiếu-nghĩa. Luôn luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, hoặc đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho nhân-lễ-nghĩa-trí-tín.

Bên cạnh làm hoa phục vụ cho việc thờ cúng, nghề làm hoa sen giấy Thanh Tiên hiện nay cũng được phục hồi, phát huy, nhất là khi hoa sen được chọn làm "Quốc hoa." Hoa sen giấy Thanh Tiên có được thuận lợi là làm quanh năm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng mở rộng. Hoa sen giấy Thanh Tiên "lên ngôi," đã góp mặt ở Festilval Huế, Festilval nghề truyền thống Huế, tham gia lễ hội áo dài Minh Hạnh; lễ hội "sóng nước Tam Giang"; lễ hội Đền Huyền Trân công chúa; triển lãm ở "Thuận An biển gọi", ở hội vật truyền thống làng Sình...

Hoa sen giấy Thanh Tiên còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan. Hoa sen cũng gắn liền với văn hoá nhà Phật được biểu hiện trong giáo thuyết "Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh". Vì thế đối với nhà Phật, hoa sen còn là biểu tượng của từ bi, trí tuệ, tình thương... tất cả đều trang nhã, tinh khiết như hoa sen. Ở thành phố Huế, các nhà chùa, nhà sư đều rất thích cắm trang trí, trưng bày hoa sen ở chùa, chánh điện. Sức lan tỏa của hoa sen giấy Thanh Tiên vì thế ngày càng xa.

Nhu cầu càng lớn, người làm hoa sen giấy Thanh Tiên càng tìm cách cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của người chơi. Các sản phẩm hoa sen ngày càng đẹp về mẫu mã, trang nhã về màu sắc, uyển chuyển về hình dáng. Chẳng hạn, một cải tiến nhỏ như cọng sen trước đây làm bằng thân cây hóp nên rất cứng, khó cắm vào lọ theo ý đồ của chủ nhân, nay cọng sen được làm bằng thân cây mây con lấy ở rừng nên rất uyển chuyển, giống hệt như sen thật. Đó là thành công bước đầu trong hành trình tìm kiếm, cải tạo của các nghệ nhân ở đây để hoa sen giấy ngày càng giống hơn, đẹp hơn như hoa sen thật.

Ngày thường, hoa sen giấy Thanh Tiên được bán với giá từ 8.000-9.000 đồng/bông, còn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán thì có giá khoảng 10.000-12.000 đồng/bông. Nếu cần mẫn thì mỗi thợ làm hoa giấy có thể đạt thu nhập khoảng 80.000 đồng/người/ ngày vào dịp bình thường, dịp Tết khoảng 100.000/người/ ngày. Riêng đối với hoa giấy trang trí ở những nơi thờ tự có giá khoảng 10.000 đồng/cành, tùy từng loại khác nhau. Hiện, làng Thanh Tiên còn có khoảng 20 hộ làm làm hoa giấy theo dạng này.

Dịp Tết, gia đình nào cũng làm khoảng 2.000 cành hoa (tức 1.000 cặp hoa trở lên, vì bán theo cặp), mỗi cặp hoa có giá khoảng 10.000 đồng tùy từng loại khác nhau, mang lại nguồn thu đáng kể cho người làm hoa giấy./.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục