Lấp lỗ hổng về quản lý thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam

Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh, tiêu dùng và quản lý chặt thuốc lá làm nóng.
Lấp lỗ hổng về quản lý thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam ảnh 1Tang vật một vụ bắt thuốc lá lậu. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines.

Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có tới 45% người hút thuốc lá (cứ hai người có một người hút thuốc).

[Phó Thủ tướng khen Hải đội 1 vì thành tích phá án buôn lậu thuốc lá]

Do nhu cầu của thị trường có xu hướng tăng cao khiến tình hình buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp, với số lượng lớn.

Thuốc lá lậu: Mặt hàng “màu mỡ”

Theo khảo sát, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á.

Trong những năm gần đây, liên tiếp các vụ buôn lậu thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử được bắt giữ với số lượng và quy mô ngày càng lớn.

Trong đầu tháng 1/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan phối hợp với Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và thu giữ lô hàng gồm 400 cây thuốc lá làm nóng theo đường hàng không từ Nga về Thành phố Hồ Chí Minh với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 19/3, Đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1)-Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan đã phát hiện tàu có 22 thuyền viên là người nước ngoài, vận chuyển khoảng 8.549 kiện (tương đương hơn 4,2 triệu bao thuốc lá điếu các loại).

Tình trạng buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điếu trở nên phức tạp hơn, dẫn đến nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, không đạt chuẩn, độc hại, dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay tại Việt Nam thuốc lá thế hệ mới được mua bán thông qua đường xách tay. Tình trạng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới gia tăng khiến nhà nước thất thu ngân sách. Với thực trạng hiện nay, bao gồm cả sự luồn lách của hàng lậu, hơn hết nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng, có thể thấy nhu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý chính thức cho thuốc lá thế hệ mới.

Lấp lỗ hổng về quản lý thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam ảnh 2Nhiều nơi thực hiện môi trường không khói thuốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoàn thiện khung hành lang pháp lý

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn còn có hơn 1 tỷ người tiếp tục hút thuốc lá vào năm 2025. Do đó, giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá là một trong những phương pháp phù hợp cho việc hướng đến một xã hội không khói dựa trên việc đáp ứng nhu cầu thực tế của những người hút thuốc lá trưởng thành.

Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ngày càng phổ biến trên thế giới và ở cả Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện đang chưa có khung hành lang pháp lý, cụ thể, rõ ràng.

Các sản phẩm thuốc lá gồm thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng, thuốc lá thế hệ mới đã được lưu hành tại các kênh không chính thức bằng các hình thức bán hàng trên mạng xã hội. Điều này gây thiệt hại không chỉ về kinh tế trong vấn đề thất thoát thuế của nhà nước, mà còn tác động lên sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng nếu họ vẫn cứ sử dụng từ các nguồn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thực tế, hiện nay trên thị trường việc buôn bán thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang tràn lan và thường được quảng cáo hàng Âu-Mỹ xách tay. Đây là mặt hàng không có nguồn gốc rõ ràng, không quản lý chất lượng vì cho đến nay, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá thế hệ mới chưa được đưa vào danh mục quản lý dẫn đến việc các loại thuốc lá thế hệ mới trên thị trường không được kiểm soát chất lượng. Cũng chính vì thế, nhiều các cơ quan quản lý cũng đau đầu khi xử lý các vụ việc này vì còn thiếu các quy định.

Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, vì vậy chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC). Tại Việt Nam, do sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá nên được coi là sản phẩm thuốc lá khác theo định nghĩa của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Do đó, thuốc lá làm nóng cần được quản lý và chịu sự điều chỉnh của Luật phòng chống tác hại thuốc lá.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số bất cập như một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, văn bản không còn phù hợp như mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tác hại thuốc lá còn thấp, chưa đủ tính răn đe, chưa thống nhất, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá còn thấp.

Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh, tiêu dùng và quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Cơ quan này cũng đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá.

Với mục tiêu kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng như youtube, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá.

Bộ Y tế cũng tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.

Việt Nam là một thị trường tiêu thụ thuốc lá tiềm năng được nhiều đối tượng hướng tới. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp tổng thể, quyết liệt nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn tồn tại nhiều năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục