Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 12/1, truyền thông khu vực đưa tin, Quốc hội miền Đông ủng hộ lực lượng tựu xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar có thể đề nghị Ai Cập hỗ trợ quân sự trong trường hợp có sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột tại quốc gia châu Phi này.
Trước đó, LNA và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận đã tuyên bố nhất trí với lệnh ngừng bắn theo đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, 9 tháng sau khi LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.
Tuy nhiên, hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn gần thủ đô Tripoli trong ngày 12/1.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi.
Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, LNA của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Ngày 12/1, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong đó tập trung đánh giá những diễn biến gần đây tại Libya.
Theo thông báo, Thủ tướng Merkel đã cập nhật cho người đồng cấp al-Sisi những nỗ lực mới nhất của Berlin nhằm thúc đẩy các bên liên quan tại Libya đạt được một giải pháp chính trị.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng bất cứ giải pháp chính trị nào tại Libya cũng cần tính đến các khía cạnh quân sự, an ninh, kinh tế - chính trị, và đề nghị chấm dứt sự can thiệp bất hợp pháp của nước ngoài vào công việc nội bộ của quốc gia Bắc Phi này.
[Các phe đối địch tại Libya cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn]
Cũng trong ngày 12/1, Thủ tướng Merkel đã có một cuộc điện đàm riêng rẽ khác với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới các vấn đề liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Những nỗ lực của Đức nêu trên được đưa ra trong thời điểm có các diễn biến mới tại Libya.
Cụ thể, trong ngày 12/1, Quốc hội miền Đông ủng hộ lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar có thể đề nghị Ai Cập hỗ trợ quân sự trong trường hợp có sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột tại quốc gia châu Phi này.
Trong khi đó, Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận lại đang nhận sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây nhất là việc Ankara triển khai 35 quân nhân tới Libya./.