Lời giải nào cho “bài toán” ngăn chặn ma túy và buôn người?

Làm sao đánh chặn được các đường mua bán ma túy, giảm xuống mức thấp nhất số người nghiện và ngăn chặn cạm bẫy buôn người ở miền Tây xứ Nghệ? Tất cả những trăn trở này, đến nay vẫn là "bài toàn khó."
Lời giải nào cho “bài toán” ngăn chặn ma túy và buôn người? ảnh 1Triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Lào vào Nghệ An. (Ảnh: CTV H.B/Vietnam+)

Biết bao tổ ấm tan vỡ, không ít người rơi vào chốn lao tù, nhiều gia đình “bỗng dưng” mất con, là những bài học đắng cay cho những người vướng vào tệ nạn mua bán, sử dụng chất ma túy và cạm bẫy buôn buôn người. Song, dường như tất cả những nỗi đau ấy vẫn chưa đủ để ngăn chặn “​cơn bão trắng” đang hoành hành trong đời sống bà con các huyện miện núi, giáp biên giới ở tỉnh Nghệ An.

Làm sao đánh đuổi được các đường dây, tụ điểm ma túy đang ngày diễn biến phức tạp? Làm sao giảm xuống mức thấp nhất số người nghiện và ngăn chặn cạm bẫy mua bán phụ nữ, trẻ em đang “nở rộ” tại các làng bản nghèo? Tất cả những trăn trở này, đến nay vẫn là một bài toán khó chưa được giải đáp.


Chống ma túy - Khó vì vướng luật

Là huyện được xem là điểm nóng ​nhất về ma túy của tỉnh Nghệ An, Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, cho biết do địa hình vùng biên giới phức tạp, giáp ranh với nước Lào - nơi người dân, nhất là người Mông ở hai nước thường xuyên qua lại với danh nghĩa là đi làm nương rẫy, và có trang bị vũ khí nóng nên việc vận chuyển, mua bán ma túy ở đây rất phức tạp.

Trước tình hình đó, để triệt phá các đường dây đưa ma túy từ bên kia biên giới vào địa bàn, những năm qua, Công an huyện Tương Dương đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân, tấn công, trấn áp tội phạm. ​Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều tháng “ăn sương, nằm gió,” lực lượng công an đã triệt phá được cả trăm vụ buôn bán trái phép chất ma túy mỗi năm.

Trung tá Trần Phúc Tú cũng cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quyết liệt trong khâu điều tra, triệt phá tội phạm buôn bán ma túy nên đến nay, trên địa bàn huyện Tương Dương chỉ còn hơn 850 con nghiện có hồ sơ theo dõi. Tuy nhiên, ông Tú cũng lưu ý, mặc dù số lượng con nghiện “trên giấy” đã giảm so với trước, nhưng đó cũng mới chỉ là một phần nhỏ của việc ngăn chặn “​cơn bão trắng" từ bên kia nước Lào tràn về.

Cứ như lời ông Tú nói thì tình hình ma túy rất phức tạp, nhưng công tác “đánh chặn” con buôn, bắt giữ người nghiện hiện nay cũng tựa như việc “tỉa cành.” Điều này đã được ông Tú khẳng định là rất nan giải, với không ít khó khăn khi phải “tuân thủ” theo quy định về cai nghiện bắt buộc.

“Cái khó ở đây là vì vướng quy định cai nghiện bắt buộc nên nhiều vụ ra quân bắt giữ con nghiện sử dụng ma túy đã bị ‘xổng’ do không có bằng chứng. Hay như việc thẩm lậu ma túy cũng thường không cố định, vì các đối tượng chủ yếu hoạt động ở sâu trong rừng, lại ở hai nước khác nhau, nên việc truy quét, bắt giữ rất khó khăn,” Trung tá Tú nói.

[Những nữ sinh "mất tích" bí ẩn và cạm bẫy buôn người tại "xã mồ côi"]​

Lời giải nào cho “bài toán” ngăn chặn ma túy và buôn người? ảnh 2Các đối tượng vận chuyển ma túy thường sử dụng vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. (Ảnh: CTV H.B/Vietnam+)

Có chung quan điểm, bà Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn - địa phương được xem “điểm trung chuyển” ma túy ở miền Tây xứ Nghệ, cho rằng, mặc dù công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy đã được triển quyết liệt, nhưng sức nóng vẫn chưa giảm. Một phần nguyên nhân được bà Nguyệt đưa ra là, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị định này có không ít điểm rất rườm rà, bất cập.

“Cái mắc lớn nhất của Nghị định này là muốn đưa được người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải bắt được quả tang đối tượng đang hút hít, sử dụng ma túy trái phép thì mới bắt, sau đó Tòa án quyết định mới đưa người nghiện vào trung tâm. Điều này là rất khó, bởi con nghiện đời nào nó lại hút​, chích ma túy ​công khai để bị bắt,” bà Nguyệt phân tích.

Vị lãnh đạo này cũng trăn trở, có thể vì nắm bắt được cái vướng của Nghị định 221, nên các đối tượng sử dụng ma túy đã hoạt động ​kín đáo hơn, cũng như vận chuyển một khối lượng ma túy vừa phải để không bị kết tội theo quy định của Luật. Điều này đã khiến tình trạng con nghiện trên địa bàn không giảm, mà thậm chí còn tăng.

Một mối lo khác được xem là hệ quả của tệ nạn ma túy là vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn rầu rĩ nói: “Trước đây, chưa nói đến việc buôn bán người, mà hiện tượng gái mại dâm ở đây cũng chỉ có ở trong mơ. Ấy mà, vài năm trở lại đây, tình hình mua bán người đã thành vấn đề ‘nổi ​cộm.’ Và, giờ thì Kỳ Sơn đã trở thành điểm nóng của tỉnh Nghệ An, với mức độ ‘nóng’ chỉ đứng sau ma túy.”

Theo chủ quan của bà Nguyệt, thì các đối tượng mua bán người đã nắm bắt được​ điểm yếu của người dân là nghèo, thiếu ăn, túng tiền nên cần việc làm. Vì thế, các đối tượng đã tìm cách dụ dỗ, lôi kéo thông qua nhiều kênh trung gian để qua mắt cơ quan chức năng. Trong khi, người dân ở đây kém hiểu biết pháp luật lại nhẹ dạ cả tin. Đó là chưa kể, có nhiều trường hợp, nạn nhân vì muốn thoát khỏi cạm bẫy ma túy, rời bỏ gia đình ra đi, những mong thay đổi số phận.

“Cái khó khăn nhất ở đây là những nạn nhân bị lừa bán, sau khi trốn được về nhà, đa số đều im lặng, không dám nói ra những điều tủi nhục trong thời gian lưu lạc ở xứ người. Còn những trường hợp tự nguyện ‘bán thân’ thì không tố giác. Chính điều này gây khó khăn trong công tác điều tra đối với lực lượng chức năng. Đây cũng là kẽ hở để tội phạm buôn người tiếp tục ẩn mình và hoạt động,” bà Nguyệt trăn trở.

Lời giải nào cho “bài toán” ngăn chặn ma túy và buôn người? ảnh 3Các đối tượng buôn người bị bắt giữ. (Ảnh: CTV H.B/Vietnam+)

Cần huy động sức dân, nhờ dân tố giác

Là người cán bộ thường xuyên tiếp xúc với “nồi cơm” của bà con dân bản, bà Cụt Thị Nguyệt, cho rằng, để giảm tải sức nóng tội phạm ma túy, cũng như vấn nạn buôn bán người trên địa bàn, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là cơ chế chính sách của Nhà nước. Nghĩa là, bây giờ Nhà nước cần thiết ban hành Luật và các văn bản dưới Luật đủ mạnh để xử lý tội phạm.

“Cái thứ hai là, phải chú trọng tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi, nếu cơ chế chính sách ở trên có mạnh mà dưới không làm thì cũng không hiệu quả. Cùng với đó là phải huy động được sức dân, vì tội phạm hiện nay chủ yếu len lỏi ở trong dân, các thôn bản, nên phải nhờ người dân phát hiện và thông báo qua hòm thư tố giác. Việc này, chúng tôi cũng đang triển khai, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả,” bà Nguyệt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng lưu ý, trước khi có bộ Luật đủ mạnh cùng với vai trò tố giác của dân, thì Nhà nước cần có cơ chế đối với chính sách hỗ trợ người nghèo. Nghĩa là Nhà nước cho người dân cái “cần câu” thì cũng nên dạy cho họ cách dùng cần để câu con cá, cũng như tạo công ăn việc làm, để người dân có cơ hội thoát nghèo, tránh xa ma túy và những cạm bẫy buôn người.

“Ngoài ra, trong bối cảnh tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp, thì yếu tố hỗ trợ có động lực thúc đẩy kinh tế xã hội đó là phát triển dân trí, giúp người dân nhận thức được việc mình đang làm. Bởi, nếu dân trí thấp kém, thì dù Nhà nước có bỏ ra cả nghìn tỷ thì đồng tiền sử dụng cũng khó mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây lãng phí,” Phó Chủ tịch Cụt Thị Nguyệt nêu quan điểm.

[Sau "cơn bão trắng": Ám ảnh những phận người tại "xã mồ côi"]​

Lời giải nào cho “bài toán” ngăn chặn ma túy và buôn người? ảnh 4Những ngôi nhà mất nóc ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ từ góc độ cơ quan thực thi pháp luật, Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho rằng, để ngăn chặn các hoạt động mua bán ma túy thì giải pháp trước mắt là phải chặn được nguồn cung. Hạn chế các tụ điểm bán lẻ, cũng như xử lý mạnh đối với các đối tượng đưa ma túy từ bên kia nước Lào vào các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

“Trong lĩnh vực này, hệ thống pháp luật cũng cần có sự thay đổi, để phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm. Bởi vì có những vụ việc về bản chất chúng tôi biết, nhưng không thể chứng minh được hành vi mua bán theo yêu cầu của luật. Chưa kể, có nhiều trường hợp khó xử lý vì bị hại ở đây, nhưng đối tượng đã sang bên kia biên giới,” Trung tá Tú chia sẻ.

Về giải pháp ngăn chặn cạm bẫy mua bán phụ nữ và trẻ em, ông Tú cho rằng, việc đầu tiên là phải hỗ trợ đào tạo nghề, để người dân có việc làm, nâng cao đời sống để tránh bị lôi kéo, lừa bán sang Trung Quốc. Cùng với đó là phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm từ bỏ con đường lầm lạc.

Còn ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương thì cho rằng, để ngăn chặn tội phạm buôn bán người, hiện nay việc cần làm vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Việc này huyện đã, đang và sẽ triển khai đến người dân.

Một giải pháp có vẻ “lạc hậu” được đưa ra, có thể nó sẽ không đủ sức để “đánh chặn” cạm bẫy mua bán người, song theo ông Châu, nếu phổ biến tường tận đến từng hộ dân, cộng với sự vào cuộc quyết liệt hơn chính quyền cấp ủy địa phương thì việc giảm dần số người bị lừa bán là điều có thể hy vọng./.

[Nóng bỏng ma túy và cạm bẫy buôn bán nữ sinh ở vùng biên xứ Nghệ]

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục