Malaysia cấm lao động nước ngoài làm ngành fast-food

Chính phủ Malaysia cấm các lao động nước ngoài làm việc trong ngành fast-food để ưu tiên người địa phương tìm việc trong lĩnh vực này.
Malaysia cấm lao động nước ngoài làm ngành fast-food ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: caspianmoneytimes.com)

Tại Malaysia, ngày càng có nhiều người địa phương thích làm việc trong ngành công nghiệp fast-food (thức ăn nhanh), và các lao động nước ngoài sẽ bị chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác.

Ngày 7/1, Ủy ban về Lao động nước ngoài và nhập cư bất hợp pháp của Chính phủ Malaysia, dưới sự chủ tọa của Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã họp và nhất trí rằng tất cả những nhà hàng fast-food và những nhà hàng tương tự về mặt khái niệm phải ưu tiên thuê người địa phương.

Trong tuyên bố của được Ủy ban này đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp ngày 7/1 cho biết: "Những người làm kinh doanh trong lĩnh vực này không được phép thuê lao động nước ngoài bởi nhiều người địa phương mong muốn làm việc trong các nhà hàng này. Sự quan tâm ngày càng gia tăng của những người tìm việc địa phương có thể xuất phát từ việc tại các cửa hàng fast-food chỉ yêu cầu những kỹ năng nấu bếp đơn giản. Những kỹ năng nấu bếp này có thể học được."

Về khía cạnh này, các công việc như vậy đã hấp dẫn nhiều người dân địa phương, trong đó có cả thanh niên, học sinh đã nghỉ học và sinh viên, những người mong muốn kiếm thêm những khoản tiền tiêu vặt và học hỏi thêm kinh nghiệm trong công việc, bất kể là làm bán thời gian hoặc toàn thời gian.

Bộ phận truyền thông của Bộ thương mại nội địa và các vấn đề về tiêu dùng đã định nghĩa các cửa hàng fast-food là một cơ sở cung cấp dịch vụ fast-food chẳng hạn như các cửa hàng McDonald, Burger King và KFC.

Những sự phân loại này không áp dụng đối với các cửa hàng thức ăn và đồ uống có thuê nữ nhân viên phục vụ như Kopitiam hay Starbucks (những cửa hàng bán càphê nhưng cũng có đồ ăn nhanh).

Vào ngày 27/12/2011, Chính phủ đã tuyên bố cho phép lao động nước ngoài được làm việc ở các lĩnh vực như phục vụ trong các sòng bạc, cung cấp báo chí, cắt cỏ, rửa xe và lau dọn nhà cửa.

Người lao động nước ngoài cũng có thể được thuê phục vụ trong các hội thảo, đồng thời cũng được thuê làm việc trong lĩnh vực khai mỏ, khai thác gỗ đước, thực phẩm và đồ uống và lĩnh vực fast-food.

Những tiểu lĩnh vực cũng được nới lỏng cho thuê lao động nước ngoài như kim loại phế liệu, làm việc tại các kho hàng, làm việc tại các spa/bấm huyệt, khách sạn, phục vụ trong sân golf, giặt là, cắt tóc, kim hoàn, những ngành kinh doanh bán buôn, bán lẻ cũng như kinh doanh hàng dệt may.

Đối với Chương trình đặc biệt về quản lý người bất hợp pháp, Ủy ban này mong muốn những chủ sử dụng lao động, những người bị đại lý hay môi giới lừa trong chương trình 6P hãy đến Trung tâm một cửa thuộc Bộ Nội vụ trước ngày 20/1 để giải quyết những đơn từ của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục