Mali: Chính quyền quân sự kêu gọi ECOWAS dỡ bỏ biện pháp trừng phạt

ECOWAS đã ra điều kiện sẽ chỉ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với Mali nếu quốc gia này bầu một đại diện dân sự làm tổng thống lâm thời.
Mali: Chính quyền quân sự kêu gọi ECOWAS dỡ bỏ biện pháp trừng phạt ảnh 1Phát ngôn viên chính quyền quân sự Mali, Đại tá Ismael Wague (giữa), trong cuộc họp báo tại Kati, gần Bamako ngày 19/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/9, chính quyền quân sự ở Mali đã đề nghị các quốc gia Tây Phi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sau khi nước này lựa chọn một đại diện dân sự làm tổng thống lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 21/9, một ủy ban do chính quyền quân sự Mali thành lập đã lựa chọn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba N'Daou làm tổng thống giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng. Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền quân sự, Đại tá Assimi Goita, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống.

Trước đó, chính quyền quân sự ở Mali đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự sau cuộc đảo chính vào tháng trước. Cam kết được đưa ra khi kết thúc cuộc tham vấn kéo dài nhiều ngày tại thủ đô Bamako giữa các nhà chính trị, các tổ chức xã hội dân sự và quân đội.

Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng đã ra điều kiện sẽ chỉ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với Mali nếu quốc gia này bầu một đại diện dân sự làm tổng thống lâm thời. Các biện pháp trừng phạt được ECOWAS áp dụng sau cuộc đảo chính.

Cũng trong ngày 22/9, Phó Tổng thống lâm thời Goita đã kêu gọi hỗ trợ cho các binh sỹ Liên hợp quốc và Pháp, những lực lượng thường bị tấn công tại quốc gia này.

Phát biểu với các phóng viên nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Mali, ông đã đề nghị người dân hỗ trợ binh lính quốc gia và các lực lượng đối tác từ Pháp và Liên hợp quốc.

[ECOWAS kêu gọi sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali]

Trong thời gian qua, Mali đã nỗ lực ngăn chặn các hoạt động khủng bố của các tay súng Hồi giáo cực đoan xuất hiện tại miền Bắc quốc gia này từ năm 2012 trước khi lan rộng ra miền Trung Mali và các quốc gia láng giềng Burkina Faso và Niger. Việc hàng nghìn binh sỹ nước ngoài hiện diện tại quốc gia này nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố cũng vấp phải sự phản đối trong nước.

Phát biểu mới của ông Goita nhằm xoa dịu nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình phản đối các lực lượng nước ngoài nổ ra trong bối cảnh tình hình đất nước rối ren sau binh biến.

Binh biến Mali xảy ra ngày 18/8 vừa qua khi nhóm binh sỹ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Vài giờ sau đó, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội.

Mặc dù sau khi chiếm quyền lãnh đạo Mali, lực lượng CNSP đã cam kết sớm tiến hành tổng tuyển cử, ECOWAS vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt như đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại.

ECOWAS yêu cầu Mali phải tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng, đồng thời cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc tham vấn giữa chính quyền quân sự với các phe phái khác ở Mali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục