Mang Xuân đến sớm cho chiến sỹ vùng E Hải quân

Gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, bánh kẹo,... được tàu HQ 32 "cưỡi sóng" trong đêm "mang Tết ra đảo" cho cán bộ, chiến sỹ Vùng E hải quân.
Những ngày cuối năm là ngày thật đặc biệt của những cán bộ, chiến sỹ thuộc Vùng E hải quân đang đóng quân trên Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam thuộc tỉnh Kiên Giang.

Gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, bánh kẹo, nước ngọt… được tập trung xuống tàu vận tải HQ 32 thuộc Hải đội 512 nhổ neo “cưỡi sóng” trong đêm ra khơi. Tôi cứ ngỡ rằng mỗi chuyến đi biển, mỗi lần chia tay như thế sẽ không thiếu những giọt nước mắt và đôi mắt hoe đỏ. Nhưng không, tất cả đều vui vẻ, hồ hởi và mong ngóng, nhiều cán bộ chiến sỹ, đại biểu còn không dấu được tâm trạng sốt ruột.

Như hiểu được những thắc mắc của tôi, Đại tá Mai Trọng Định, Phó Chính ủy vùng E giải thích: “Vùng E hải quân đóng quân trên các đảo trọng điểm vùng biển Tây Nam của đất nước. Địa bàn rộng phân tán, điều kiện sinh hoạt và đi lại rất khó khăn. Do vậy mà mỗi dịp Tết đến, xuân về, cán bộ, chiến sỹ của vùng đóng tại Phú Quốc đều mong muốn và cho đấy là vinh dự rất lớn được thực hiện nhiệm vụ mang mùa xuân đến sớm cho các đồng đội và nhân dân trên đảo đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc”.

Thượng úy Nguyễn Văn Chiến, Chính trị viên tàu 32 tâm sự: "Bọn mình thật sự vui vì anh em trong đơn vị năm nay được phân công 'chở Tết ra đảo'. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình cảm của cán bộ chiến sỹ đất liền muốn chia sẻ cùng đồng đội nơi hải đảo thân yêu của tổ quốc."

Tròn 6 ngày đêm, vượt qua gần 400 hải lý đến với các đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang; Hòn Chuối, Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau. Mỗi đảo chỉ vẻn vẹn có 6 giờ để thăm và chúc Tết bộ đội, nhân dân dân đang sinh sống ở đây.

Bắt đầu từ đảo Thổ Chu, đây là đảo nằm ở vị trí quan trọng trên đường hàng hải quốc tế. Phương tiện đi lại cực kỳ khó khăn. Nhất là gặp thời tiết xấu thì không thể có tầu bè nào ra được đảo. Đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội và nhân dân rất thiếu thốn. Ngoài chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì không có một chương trình giải trí nào khác. Các ấn phẩm báo chí được đưa ra đảo số lượng không nhiều và thường chậm hơn cả tuần so với thời gian phát hành. Nhưng mọi người động viên nhau có còn hơn không.

Khi tàu chúng tôi cập cảng, nhân dân trên đảo đứng chờ rất đông trên cầu cảng và thi nhau hỏi “Tối nay có diễn không?”. Họ tưởng đây là đoàn nghệ thuật của quân đội ra đảo để phục vụ.

Đặt chân lên đảo, mọi người đều cảm nhận được không khí xuân đang đến gần đâu đó bởi mọi công tác chuẩn bị đón Tết đã tươm tất với bàn thờ tổ quốc có treo ảnh Bác Hồ đã được bày biện đủ mâm ngũ quả; cành mai vàng, nhánh lan rừng đang khoe sắc.

Khi đón tiếp đoàn đại biểu ra thăm đảo và chúc Tết đơn vị, Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Đảo trưởng đảo Thổ Chu không giấu được niềm vui hào hứng nói: "Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt mỗi dịp xuân về lại là những thời gian cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn phải tăng cường trực chiến trên các trận địa. Song bộ đội trên đảo luôn an tâm, phấn khởi sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống trên không và trên biển".

Cánh lính đảo vui mừng lộ rõ trên từng khuôn mặt tươi trẻ, ai ai cũng vui vẻ vì được nhận quà và đón nhận những lá thư của gia đình và người thân từ đất liền gửi tới. Mọi người gặp nhau òa ra bắt tay hỏi chuyện như những người thân lâu ngày không gặp.

Trung sỹ Nguyễn Văn Định quê ở Ninh Bình tâm sự: "Đây là lần thứ 2 em ăn Tết trên đảo. Bởi ngay khi hoàn thành nghĩa vụ từ cuối năm 2009 em đã viết đơn xin tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội. Em rất vui vì nguyện vọng của em đã được cấp trên chấp thuận. Nhân dịp này em cũng muốn có đôi lời gửi tới bạn bè, người thân và gia đình lời chúc mừng năm mới thật hạnh phúc".

Đóng quân tận trên đỉnh cao 160m so với mặt biển, không có nước chỉ có đầy nắng và gió biển mặn mòi. Nhưng Đại úy Hồ Đình Tuấn, Đại đội trưởng, Đại đội pháo phòng không PK 24 cho rằng: "Đã là lính hải quân chúng tôi luôn xác định 'đảo là nhà, biển cả là quê hương'. Vì thế năm nay tôi không nằm trong danh sách trực Tết nhưng đã xung phong ở lại ăn Tết trên đảo cùng anh em trong đơn vị."

Khó khăn vất vả nhất trong chuyến công tác lần này là khi tàu tìm cách tiếp cận Hòn Khoai. Mặc dù trước khi đi, chúng tôi đã được chỉ huy Vùng E củng cố tinh thần khi đến đảo Hòn Khoai nhưng khi "mục sở thị" thì mới thấy hết được sự vật lộn với sóng biển khó khăn đến mức nào.

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau nằm cách đất liền 20km có 5 đảo nhỏ có 5 đảo nhỏ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất. Trên đảo chỉ có những người lính hải quân, bội đội biên phòng và cán bộ kiểm lâm sinh sống. Nên khi được tiếp đón các đại biển từ đất liền tới, cán bộ chiến sĩ mừng vui lẫn lộn nhưng không che dấu được những giọt nước mắt vì xúc động.

Vượt đèo lên đến Trạm Rada 595 có độ cao 319m , chứng kiến cuộc sống của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, thiếu thốn về nước sinh hoạt. Nhưng thật bất ngờ vì cũng chính trên đồi cao sỏi đá, khô cằn này, các anh đã tăng gia sản xuất có được vườn rau xanh mướt.

Chiến sỹ trẻ Mai Văn Bốn quê Thái Bình đang thu hoạch rau làm cơm đãi khách cho biết: "Bọn em phải dùng nước mưa để rửa mặt, rồi tắm và dùng nước tắm để tưới rau. Lúc đầu cũng thấy khó chịu vì chưa quen nhưng khi nhìn thấy hiệu quả thiết thực từ công việc của mình làm nên ai cũng vui và tự bảo nhau thật tiết kiệm hơn nữa."

Bốn cũng bộc bạch: "Lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà mà lại ăn Tết ở trên đảo, em cũng có cảm giác nhớ nhà rất nhiều nhưng bù lại em có đồng đội cùng chia sẻ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đến đây, anh em đã thịt hẳn một con lợn để làm cơm tất niên. Lần đầu tiên tôi được sống trong không khí của bữa cơm cuối năm sớm nhất từ trước tới nay, có bánh trưng xanh, có giò nạc có mùi hương vòng đốt thơm đến lạ. Mọi người ai cũng tranh thủ để nói để chia sẻ với nhau thì phải. Nhiều lính trẻ lần đầu xa nhà đã say sưa ngồi nghe các chị văn công đi cùng đoàn tranh thủ phục vụ cán bộ chiến sỹ của đơn vị mà quên cả ăn."

Ấn tượng thật không thể nào quên là hình ảnh của má Nguyễn Thị Sáu năm nay 77 tuổi - người cao tuổi nhất sống trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau. Trên đảo có 47 hộ ngư dân với 187 nhân khẩu đang sinh sống cùng bộ đội, đồn biên phòng, hải quân và công nhân viên trạm hải đăng. Khó khăn về địa lý, khắc nghiệt về thiên nhiên nhưng gần 40 năm cắm trụ ở đảo má vẫn nguyện gắn bó với nơi này cùng cán bộ chiến sĩ.

Má Sáu chia sẻ: "Má có 9 người con, khi lớn lên đều đã lập gia đình riêng rồi lần lượt vào đất liền. Không theo các con đi, má ở lại cùng sống với bộ đội trên đảo." Không giấu được xúc động, má nói: "Không có bộ đội, chắc má chết lâu rồi...."

Chia tay với những người lính đảo, khi mùa xuân đang trở về. Trong đất liền lúc này, không khí xuân cũng mới bắt đầu trộn rộn ở đâu đó. Nhưng ở đây, nơi hòn đảo xa xôi của tổ quốc, mùa xuân có vẻ như đã đến rất gần và đến sớm hơn nhờ những chuyến tàu chở Tết ra đảo./.

Nguyễn Hồng Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục