Hunga Tonga Hunga Ha'apai, hòn đảo "trẻ tuổi" nhất thế giới nằm cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga khoảng 65km về phía Tây Bắc, có thể đang nắm giữ chìa khóa cho hành trình tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa của con người.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 13/12 cho biết đảo Hunga Tonga Hunga Ha'apai trồi lên khỏi đáy biển Thái Bình Dương vào giai đoạn cuối năm 2014 - đầu năm 2015, sau một vụ phun trào núi lửa tại đây.
Ban đầu các nhà khoa học cho rằng hòn đảo này - cấu tạo nên từ đất đá và tro bụi núi lửa đóng kết - sẽ bị nước biển cuốn trôi chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, hòn đảo "non trẻ" cuối cùng lại "cứng cỏi" hơn dự đoán và đứng vững cho tới ngày hôm nay với kích thước khiêm tốn rộng 1km, dài 2km và cao 100m.
Mặc dù không hoàn toàn "miễn nhiễm" trước tác động xói mòn của biển, các nhà khoa học dự đoán hòn đảo 3 năm tuổi này có thể tồn tại từ 6-30 năm tới.
Theo các nhà nghiên cứu, sự "kiên cường" của Hunga Tonga Hunga Ha'apai một phần xuất phát từ điều kiện tự nhiên, nước biển ấm kết hợp với tro bụi từ vụ phun trào núi lửa đã tạo thành một kết cấu đá có độ cứng như bêtông.
Jim Garvin, chuyên gia đứng đầu Trung tâm các chuyến bay không gian Goddard của NASA, cho biết rất hiếm có cơ hội nghiên cứu chu kỳ sự sống trên một hòn đảo mới hình thành.
Theo nhà khoa học này, Sao Hỏa cũng có nhiều đảo núi lửa và có bằng chứng cho rằng chúng cũng được hình thành trong môi trường nước tương tự như trường hợp của Hunga Tonga Hunga Ha'apai hay nhiều đảo núi lửa khác trên Trái Đất. Đây có thể là những "vùng đất vàng" cho sự sống xuất hiện vì kết hợp môi trường ẩm ướt với nhiệt độ cao từ quá trình hoạt động của núi lửa.
Nghiên cứu quá trình sự sống xuất hiện trên đảo Hunga Tonga Hunga Ha'apai do đó có thể cung cấp manh mối cho hành trình tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa, giúp các chuyên gia có hình mẫu để khoanh vùng chính xác hơn phạm vi cần tập trung nghiên cứu.