'Mốc son mới' trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Indonesia

Nghiên cứu viên cấp cao Veeramalla Anjaiah khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ “đánh dấu mốc son mới” trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
'Mốc son mới' trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Indonesia ảnh 1Nghiên cứu viên cao cấp Veeramalla Anjaiah thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Nghiên cứu viên cấp cao Veeramalla Anjaiah thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ “đánh dấu mốc son mới” trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta trước thềm chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 21-23/12, ông Anjaiah cho rằng trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, cả Indonesia và Việt Nam đều đang tìm kiếm những cách tiếp cận và cách thức mới để tăng cường hợp tác và tình hữu nghị, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực.

Nhà báo kỳ cựu của tờ Jakarta Post và là tác giả của nhiều bài báo và công trình nghiên cứu có uy tín về các vấn đề khu vực này nhấn mạnh: “Tình hữu nghị Indonesia-Việt Nam vững chắc và rất lâu đời. Hai nước không chỉ là những người bạn rất tốt, là láng giềng hàng hải mà còn là đối tác chiến lược. Việt Nam là người bạn đáng tin cậy của Indonesia.”

Theo ông Anjaiah, trong chuyến thăm Indonesia lần này, Tổng thống Joko Widodo và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thảo luận về quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19, tình hình ở Biển Đông và một số vấn đề khu vực cũng như quốc tế khác cùng quan tâm.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Các cơ hội đầu tư ở cả hai nước và những cách thức thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua du lịch cũng sẽ được thảo luận. Hai bên cũng có thể thảo luận về tiến trình đàm phán song phương về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 của Indonesia.

[Học giả Indonesia đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước]

Cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ xem xét mối quan hệ đối tác chiến lược Indonesia-Việt Nam trước thềm lễ kỷ niệm 10 năm vào năm tới, ông Anjaiah khẳng định rằng chuyến thăm này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới, đồng thời mong muốn hai bên xem xét nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Nhà nghiên cứu này nhắc lại rằng quan hệ Indonesia-Việt Nam đã chứng kiến nhiều bước phát triển mới trong thời gian gần đây, trong đó có kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương vào tháng 7/2022, trong đó hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí đẩy nhanh xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2028 như một định hướng nhằm củng cố hơn nữa quan hệ đối tác; đặt mục tiêu thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2028; thúc đẩy trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp; giảm bớt rào cản thương mại và đầu tư; sớm ký kết Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác lúa gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, công nghệ cao và kinh tế số...

Ông Anjaiah nhấn mạnh rằng mối quan hệ hữu nghị thân thiết giữa lãnh đạo hai nước là “điểm mấu chốt” trong quan hệ Indonesia-Việt Nam. Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Indonesia và hội đàm với Tổng thống Joko Widodo. Tháng 8 năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Joko Widodo, đề nghị hai nước thắt chặt quan hệ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, quốc phòng và an ninh. Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc gặp song phương với Tổng thống Joko Widodo bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 tại Phnom Penh, Campuchia.

Đánh giá tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, ông Anjaiah lưu ý rằng với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.360 tỷ USD, dân số khoảng 280 triệu người và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Indonesia chắc chắn là quốc gia “đầy triển vọng và năng động.”

Trong khi đó, với dân số hơn 99 triệu người, Việt Nam là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,54 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt mức kỷ lục 780 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý đầu năm nay, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Hai nước cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, năng lượng, du lịch, giáo dục, văn hóa và quốc phòng. Là những quốc gia chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam đều có nhận thức tương đồng về thúc đẩy mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN và duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

Ông Anjaiah cho biết thêm rằng năm 2021, hai nước đã nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bên cạnh đó, cả hai nước đều có nhận thức tương đồng về nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, xung đột Nga-Ukraine và hợp tác chặt chẽ tại nhiều tổ chức quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục