Mốc son quan hệ Việt-Trung

Nghị định thư phân giới: Mốc son quan hệ Việt-Trung

Từ 14/7, Việt-Trung đã hoàn thành việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền sau 36 năm từ khi tiến hành vòng đàm phán đầu tiên.
Ngay sau Lễ Tuyên bố Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và các Hiệp định liên quan chính thức có hiệu lực được tổ chức tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) - Thiên Bảo (tỉnh Vân Nam, Trung quốc), sáng 14/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN và báo chí về ý nghĩa của sự kiện này.

- Với việc 3 văn kiện có hiệu lực thì đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực sự đi vào cuộc sống. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?


Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn:
Với việc 3 văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 14/7, hai bên Việt Nam-Trung Quốc đã hoàn thành trọn vẹn việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền sau 36 năm kể từ khi hai nước tiến hành vòng đàm phán đầu tiên.

Sự kiện này ghi thêm một mốc son mới trong lịch sử quan hệ Việt-Trung. Đây là lần đầu tiên đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc được xác định một cách rõ ràng, chính xác với một hệ thống mốc giới hoàn chỉnh, hiện đại , tạo điều kiện cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

Từ nay, các cơ quan hữu quan hai nước sẽ căn cứ vào 3 văn kiện này để triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả và khoa học , cùng nhau xây dựng đường biên giới đất liền Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác.

Chúng ta tin rằng, với một đường biên giới mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt“ láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái, tình hữu nghị truyền thống và sự gắn bó giữa nhân dân hai nước sẽ ngày càng bền chặt.

- Xin ông điểm lại một số mốc lớn trong quá trình hình thành đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc ngày hôm nay?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn: Biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã hình thành trên thực tế từ hơn 1000 năm trước. Nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 biên giới hai nước mới được chính thức hoạch định lần đầu tiên thông qua các cuộc đàm phán giữa chính quyền thực dân Pháp và Triều đình nhà Thanh, Trung Quốc.

Sau khi cách mạng thành công ở mỗi nước, vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, ta và Trung Quốc thoả thuận giữ nguyên trạng đường biên giới giữa hai nước trên cơ sở Công ước Pháp-Thanh năm 1887 và 1895 và sẽ tiến hành hoạch định lại đường biên giới vào lúc thích hợp.

Giữa thập niên 70 của thế kỷ 20, ta và Trung Quốc chính thức đàm phán về biên giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân các cuộc đàm phán không có tiến triển và đã bị gián đoạn trong một thời gian dài.

Phải đến cuối năm 1991 khi Việt Nam-Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ, các cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, nhất là về biên giới trên bộ mới đi vào thực chất. Từ đó đến nay, trong quá trình hoạch định, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng một số mốc son rất đáng tự hào.

Ngày 7/11/ 1991: Hai nước ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên đường biên giới;

Ngày 19/10/1993: Hai nước ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Ngày 30/12/1999: Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.

Ngày 27/12/2001: Hai bên tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc).

Ngày 31/12/2008: Hai bên ký Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 23/2/2009: Hai bên long trọng tổ chức Lễ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 18/11/2009: Hai bên ký ba văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 14/7/2010: Hai bên tuyên bố 3 văn kiện ký ngày 18/11/2009 chính thức có hiệu lực.

- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm cần lưu ý trong việc triển khai quản lý đường biên giới mới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn:
Ba văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cùng với Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999 tạo thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất về đường biên giới trên đất liền Việt-Trung.

Các văn kiện này sẽ thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 cũng như Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên vùng biên giới Việt-Trung ký giữa Chính phủ hai nước năm 1991.

Điểm khác biệt giữa các văn kiện mới này so với các văn bản trước đây về đường biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc được thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, trong các văn kiện mới từng đoạn biên giới, từng cột mốc biên giới giữa hai nước được thể hiện một cách rõ ràng nhất không chỉ bằng lời văn mà cả trên các sơ đồ và bản đồ, giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng nhận biết được đường biên giới. Các văn kiện này cũng đã quy định rõ những nội dung công việc cụ thể của các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Hai là, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới mới quy định chi tiết hơn về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước sông suối biên giới; quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về sự qua lại biên giới của người, phương tiện và hàng hoá; nêu rõ quy chế phối hợp trong việc duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự trên vùng biên giới. Kèm theo Hiệp định còn có 18 Phụ lục quy định về các loại mẫu giấy tờ trao đổi giữa hai bên trong quá trình xử lý các công việc trên vùng biên giới hai nước.

Ba là, Hiệp định quản lý biên giới mới đã bổ sung nhiều nội dung chi tiết hơn, đồng thời nêu ra các nguyên tắc và biện pháp cụ thể trong việc giải quyết từng vấn đề liên quan đến biên giới trên đất liền Việt-Trung, kể cả những vấn đề nảy sinh như các biện pháp giải quyết vấn đề xuất nhập cảnh trái phép; các nguyên tắc về xây dựng các công trình ở vùng nước biên giới, vùng biên giới hay sửa chữa, khôi phục mốc giới.

Bốn là, Trong Hiệp định quản lý biên giới mới có một nội dung hoàn toàn mới, đó là quy định việc thành lập Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc để phối hợp, đôn đốc, giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới; Hiệp định quy định biên giới Việt Nam-Trung Quốc chia thành 8 giai đoạn và mỗi bên cử 8 người Đại diện quốc gia phụ trách công tác quản lý ở 8 đoạn biên giới đó.

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh một điểm là các văn kiện biên giới trên đất liền mới giữa Việt Nam và Trung Quốc cho phép hai bên có thể áp dụng những phương thức quản lý hiện đại, kể cả áp dụng kỹ thuật số trong công tác quản lý biên giới, tạo điều kiện cho các cán bộ trực tiếp làm công tác biên giới thực thi nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.

- Thứ trưởng có thể nói về những việc hai nước Việt-Trung cần phải triển khai trong thời gian tới nhằm quản lý đường biên giới mới một cách hiệu quả?

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn:
Nhằm triển khai có hiệu quả các văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, ngay sau Lễ công bố đường biên giới mới có hiệu lực, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ hai nước về biên giới lãnh thổ đã có cuộc trao đổi và đạt nhất trí về một số công việc tiếp theo trong công tác quản lý biên giới, cụ thể là:

Một, hai bên xúc tiến việc thành lập Uỷ ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, cử Đại diện biên giới và thiết lập cơ chế liên lạc giữa cơ quan quản lý của hai nước để thực thi việc điều phối các lực lượng chức năng mỗi bên trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới đất liền Việt-Trung.

Hai, hoàn tất công tác bàn giao trên thực địa các khu vực quy thuộc mỗi bên theo Hiệp ước biên giới trên đất liền 1999 và Nghị định thư phân giới cắm mốc; tiến hành sửa đổi Hiệp định đường sắt, đường bộ, điều chỉnh các điểm kết nối giao thông đường sắt, đường bộ theo đúng Hiệp ước biên giới trên đất liền 1999 và Nghị định thư phân giới cắm mốc ký ngày 18/11/2009.

Ba, hai bên cùng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cư dân vùng biên giới hai nước tôn trọng đường biên giới mới, nâng cao ý thức của cư dân biên giới hai nước trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới mới.

Bốn, hai bên tích cực thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc.

Năm, các ngành và địa phương biên giới hai bên tiến hành trao đổi về kế hoạch tăng cường giao lưu, mở rộng hợp tác giữa các khu vực biên giới hai nước, trong đó có việc thiết lập các khu kinh tế xuyên biên giới trên vùng biên giới hai nước.

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về biên giới lãnh thổ, Bộ Ngoại giao sẽ cùng với các Bộ, ngành và địa phương hữu quan Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tương ứng của Trung Quốc triển khai đồng bộ công tác quản lý đường biên giới mới theo các văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển./.

Xuân Bân-Quang Đán (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục