Mưa lớn gây lụt nhanh, Bình Định thiệt hại nặng

Mưa lớn từ khuya 14/11 đến sáng 15/11 đã gây lũ trên diện rộng khiến khắp nơi trong tỉnh Bình Định đều bị ngập.
Mưa lớn gây lụt nhanh, Bình Định thiệt hại nặng ảnh 1Người dân tại thành phố Quy Nhơn di dời tài sản chạy lũ. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Tại Bình Định, mưa lớn từ khuya 14/11 đến sáng 15/11 đã gây lũ trên diện rộng. Khắp nơi trong tỉnh đều bị nước dâng cao gây ngập; trong thời gian ngắn, người dân không kịp chạy lũ nên đã gây ra nhiều thiệt hại cả về người và tài sản.

Người dân Bình Định không ai ngờ cơn lũ quá lớn và xuống nhanh đến như vậy. Đài phát thanh các phường, xã liên tục đọc cảnh báo khẩn cấp.

Dọc các phường Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú vào buổi chiều 15/11, hàng loạt người tất bật chạy lũ; người thì dọn sách vở, tivi, người khỏe cõng người ốm. Người dân ở đây khẳng định chưa thấy đợt lũ nào mà nước lên nhanh như đợt lũ này.

Trong khi đó, tại các vùng trũng thuộc huyện Tuy Phước, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phước, cho biết: "Lúc 14 giờ ngày 15/11, toàn bộ 15km đê bao ở thị trấn Diêu Trì đã bị ngập, mực nước ngoài sông và trong đồng chênh lệch quá lớn nên nước chảy xiết, làm vỡ 100m đê ở ba đoạn. Sau đó, nước lũ bắt đầu nhấn chìm hàng trăm nhà cửa của dân và bắt đầu lan rộng. Người dân phải chạy sơ tán.”

Đến chiều tối 15/11, tỉnh Bình Định đã có hai người chết, một người mất tích và một người bị thương.

Trong khi tại các huyện, thành phố đồng bằng ven biển của tỉnh có hàng nghìn nóc nhà bị nước lũ nhấn chìm thì tại các huyện miền núi, trung du, lũ lớn, lũ quét không chỉ nhấn chìm nhà cửa mà còn gây thiệt hại nặng ở nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ân, cho biết: "Chỉ trong một thời gian ngắn, nước lũ đã nhấn chìm hơn 2.300 ngôi nhà tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Hữu, Ân Nghĩa.”

Trong khi đó, hai công trình cầu đang thi công trên tuyến tỉnh lộ 938 của tỉnh từ Diêu Trì (Tuy Phước) đi huyện miền núi Vân Canh bị uy hiếp nghiêm trọng.

Vào chiều cùng ngày, huyện Vân Canh đã đề nghị khẩn cấp ứng cứu.

Huyện miền núi Hoài Ân cũng chỉ từ sáng đến trưa 15/11, hơn 1.500 nhà dân bị ngập; các tuyến tỉnh lộ 629, 630 bị nước lũ chia cắt; hàng nghìn mét các tuyến đập, kênh mương bị sạt lở, 128 đập tạm bị nước cuốn trôi, bảy đập dâng kiên cố của ba xã vùng cao ĐắkMang, Bok Tới, Ân Sơn bị sạt lở nghiêm trọng; cùng với đó là hàng loạt khu vực bờ sông, đất sản xuất bị sạt lở, nước lũ uy hiếp đến nhiều khu vực dân cư.

Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện miền núi Vân Canh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhanh chóng huy động nhân lực phối hợp cùng các địa phương giúp dân tránh lũ.

Ông Lộc nói: “Mọi lực lượng đều ra sức giúp dân tránh lũ, ra khỏi những vùng nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng qua đêm 15 đến ngày 16/11.”

Lũ tàn phá nhiều nơi tại tỉnh Bình Định là do lượng mưa lớn. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ 1 giờ đến 13 giờ ngày 15/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to. Tại các trạm khí tượng trên địa bàn, lượng mưa đo được từ 133mm (Quy Nhơn) cho đến 297mm (Vân Canh); các trạm An Hòa, Vĩnh Sơn, Phù Mỹ, Bình Nghi... đều đo được trên 200mm. Do đó, tỉnh hình lũ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều khả năng thiệt hại sẽ rất lớn.

Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường nên đêm 14, sáng 15/11 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa to đến rất to. Mưa to đã gây lũ trên các sông, suối; riêng sông Đắk Bla đã có lũ lớn.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum tính đến 16 giờ ngày 15/11, mưa lũ đã làm một người chết tại huyện Kon Plong.

Nạn nhân là chị Y Hiên (sinh năm 1975, trú tại thôn Đắk Bút, xã Đắk Nên) làm rẫy về qua suối bị lũ cuốn trôi. Hiện đã tìm được thi thể nạn nhân.

Cũng tại huyện Kon Plong, mưa lũ đã làm ngập đoạn đường từ thôn Măng Krí đi vào xã Ngọc Tem.

Mưa lũ cũng làm sập một số cầu treo dân sinh, sạt lở nhiều tuyến đường đi vào các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum.

Tại Quốc lộ 24, đường Đắk Côi-Đắk Psi, đường tái định cư thủy điện Plei Krông, tỉnh lộ 673, 675, 676... đã có nhiều điểm bị sạt lở; một số đoạn đường bị ngập nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.

Mưa lớn cũng đã gây thiệt hại nhiều hécta hoa màu, lúa nước (chủ yếu ở 3 xã Kon Plông, Đắk Glei và Kon Rẫy)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục