Mục sở thị ngôi làng làm đặc sản 'quà Thu' lâu đời bậc nhất tại Hà Nội

Cốm Mễ Trì từ lâu đã là một món đặc sản không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, là thức quà tao nhã không thể thiếu trong mùa Thu tại Thủ đô.

Sau gần 2 tháng tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh, tiếng máy xát gạo, tiếng chày rộn rã lại vang lên nhộn nhịp tại làng nghề cốm Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội). Cốm Mễ Trì từ lâu đã là một món đặc sản không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, là thức quà tao nhã không thể thiếu trong mùa Thu tại Thủ đô.

Các công đoạn để làm ra được hạt cốm tuy đơn giản mà cũng lắm công phu, thể hiện bàn tay điêu luyện của người làm cốm. Nguyên liệu làm cốm là hạt lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, lúa nếp tan, lúa nếp quýt, lúa nếp cái hoa vàng… Sau đó, người thợ sẽ tiến hành các công đoạn rang, sàng sảy hạt thóc và giã cho đến khi được thành phẩm là các hạt cốm mềm dẻo. Từng gói cốm lại được bọc trong lá sen và buộc lạt mềm để giữ cho hạt cốm luôn có độ ẩm, dẻo cũng như hòa quyện giữa hương vị của lá sen và lúa nếp.

Hiện nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên làng Mễ Trì chỉ còn khoảng gần 30 hộ làm nghề cốm. Thay vì sản xuất bằng thủ công, người làm nghề cốm nay đã chuyển sang sử dụng máy móc cơ khí, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí song vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

[Tranh vẽ gánh hàng rong Hà Nội giành giải nhất cuộc thi ''Hà Nội là'']

Cốm Mễ Trì là đặc sản không riêng gì của làng Mễ Trì mà còn là thức quà quý của mảnh đất Hà thành với bí quyết làm không nơi nào có được. Và những thế hệ sau vẫn đang hằng ngày làm ra từng hạt cốm mang đặc trưng riêng có, tiếp nối truyền thống làm nghề từ bao đời nay./.

(Vietnam+)