Mỹ đảm bảo triển khai NMD ở Romania đúng hạn

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller, khẳng định Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Romania đúng hạn 2015.
Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề chiến lược của Bộ Ngoại giao Romania, ông Bogdan Aurescu, ngày 17/3, cho biết trong cuộc điện đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller, phía Mỹ vẫn đảm bảo rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) trên lãnh thổ Romania sẽ được hoàn tất theo đúng kế hoạch.

Theo ông Aurescu, phía Mỹ đã thông báo với Romania về việc tái cơ cấu chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Tuy nhiên, tuân thủ nguyên tắc quan hệ đối tác chiến lược, việc tái cơ cấu này sẽ không ảnh hưởng tới dự án ở Romania và công việc triển khai các thành tố trong hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ quân sự ở Deveselu sẽ được hoàn tất đúng thời hạn là vào năm 2015.

Trước đó, trong một buổi họp báo, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách James Miller và Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc James Winnefeld, đã xác nhận việc Mỹ từ bỏ giai đoạn bốn của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, vốn bị Nga phản ứng gay gắt nhất.

Theo "cách tiếp cận thích ứng từng bước" được chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hồi tháng 9/2009, cơ cấu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu sẽ gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn một (đến năm 2011) gồm triển khai các tàu chiến trang bị tổ hợp phòng không đa chức năng Aegis và tên lửa đánh chặn "Standard-3" (SM-3) tại Địa Trung Hải và thiết lập trạm rađa phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ; Giai đoạn 2 vào năm 2015 là triển khai khẩu đội tên lửa đánh chặn di động SM-3 trên lãnh thổ Romania.

Giai đoạn 3 vào năm 2018 là triển khai các khẩu đội tên lửa SM-3 ở Ba Lan. Giai đoạn 4 vào năm 2020 là thay các khẩu đội tên lửa SM-3 bằng tên lửa đánh chặn tiên tiến hơn có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên NATO khỏi không chỉ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, mà cả tên lửa liên lục địa. Mátxcơva vẫn coi giai đoạn này là một nguy cơ thực sự đối với Nga.

Trong một diễn biến khác, trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày 17/3 với hãng thông tấn Itar-Tass, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Nikonov thuộc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền cho rằng những thay đổi trong kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu không ảnh hưởng lớn tới các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về cắt giảm vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục