Mỹ: Fed duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0

Fed cho biết các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã “gia tăng” trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và công tác hỗ trợ chính sách đang được triển khai mạnh mẽ.
Mỹ: Fed duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0 ảnh 1Trụ sở Fed tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 28/4 khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng “0” và mua trái phiếu số lượng lớn nhằm tiếp tục hỗ trợ tiến trình phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Sau hội nghị hoạch định chính sách kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), Fed tuyên bố sẽ duy trì biên độ mục tiêu đối với lãi suất cho vay liên bang ở mức 0-0,25%.

Fed cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc lên ít nhất 80 tỷ USD/tháng và trái phiếu được bảo đảm bằng thế chấp lên ít nhất 40 tỷ USD/tháng cho đến khi đạt được “tiến bộ đáng kể hơn nữa," nhằm hướng tới các mục tiêu về việc làm tối đa và ổn định giá cả.

Về tình hình nền kinh tế Mỹ, Fed cho biết các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã “gia tăng” trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và công tác hỗ trợ chính sách đang được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Fed cho rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ tiếp tục gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, cũng như “rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn còn."

Hồi tháng Ba, Fed đã phát đi tín hiệu rằng lãi suất cơ sở của ngân hàng này sẽ duy trì ở mức gần 0 cho đến cuối năm 2023.

Fed đã duy trì lãi suất ngắn hạn gần bằng 0 từ đầu đại dịch COVID-19 và tiếp tục mua vào ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Chương trình này khiến quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ tăng lên gần 8.000 tỷ USD, tức gấp đôi so với khi COVID-19 xuất hiện.

Những tín hiệu về thời điểm Fed thay đổi chính sách khả năng cao không xuất hiện khi FOMC kết thúc hai ngày họp từ ngày 27-28/4.

[Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều thập niên]

Các nhà đầu tư ngày càng tin lời các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ khi họ nói thậm chí khi nền kinh tế tăng trưởng “nóng” nhất gần 40 năm, họ cũng sẽ không từ bỏ chính sách hỗ trợ cho đến khi đà phục hồi trở nên rõ ràng, vững chắc. Randy Frederick, phó chủ tịch giao dịch và phái sinh tại Charles Schwab đánh giá rằng “triển vọng kinh tế đang khá tốt, miễn là Fed duy trì mọi thứ như hiện tại."

Mỹ: Fed duy trì chính sách tiền tệ ổn định với lãi suất gần bằng 0 ảnh 2Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Missouri, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/4 công bố báo cáo cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2021.

Theo báo cáo, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 3 đã tăng 4,0% lên 90,6 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Xuất khẩu hàng hóa tăng 8,7% lên 142 tỷ USD, chủ yếu bao gồm các loại xe gắn máy, vật tư công nghiệp, hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất và thực phẩm. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 6,8% lên 232,6 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố trước khi Chính phủ nước này công bố số liệu GDP sơ bộ cho quý 1/2021 vào ngày 29/4. Theo cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, kinh tế Mỹ trong ba tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng mạnh với tốc độ 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 4,3% trong quý 4/2020.

Nếu kinh tế Mỹ đạt con số tăng trưởng này, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ quý III/2003.

Hơn 100 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters đều lạc quan về việc hoạt động kinh tế sẽ tăng lên nhờ gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua, cùng với kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục