Mỹ "hạ nhiệt" ở Copenhagen

Mỹ "hạ nhiệt" không khí căng thẳng ở Copenhagen

Mỹ bất ngờ đề xuất nỗ lực đa phương 350 triệu USD giúp nước nghèo phát triển năng lượng sạch, nhằm xoa dịu căng thẳng.
Trong một động thái nhằm xoa dịu bầu không khí căng thẳng cực độ trong ngày 14/12 tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch), Mỹ bất ngờ đề xuất một nỗ lực đa phương trị giá 350 triệu USD giúp các nước nghèo phát triển công nghệ sản xuất năng lượng sạch.

Theo Bộ trưởng Môi trường Mỹ Steven Chu, nỗ lực này sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng tái sinh cho các nước nghèo, bao gồm công nghệ sản xuất năng lượng Mặt Trời và công nghệ phát sáng hữu cơ (LED). Ông Chu cho biết Mỹ sẽ đóng góp 85 triệu USD cho chương trình này.

Trước đó, ban tổ chức hội nghị buộc phải tạm dừng các cuộc thảo luận chính thức về bản dự thảo thỏa thuận được công bố trong tuần trước.

Nguyên nhân do các nước châu Phi, với sự ủng hộ của nhóm 77 nước đang phát triển (G-77), tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận theo nhóm làm việc nào (về dự thảo thỏa thuận), trừ phi quan điểm hợp tác chống biến đổi khí hậu dài hạn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận về giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto.

Các nước đang phát triển muốn gia hạn Nghị định thư Kyoto giai đoạn một thêm 7 năm, tức là có hiệu lực đến năm 2019 và cho ra đời một thỏa thuận riêng cho các nước đang phát triển.

Trong khi đó, hầu hết các nước phát triển ủng hộ một thỏa thuận mới duy nhất bao gồm Nghị định thư Kyoto và chứa đựng những ràng buộc đối với tất cả các nước.

Những nước giàu lo ngại với Nghị định thư Kyoto mới, Mỹ và các nước mới nổi có thể lẩn tránh những ràng buộc nghiêm ngặt về cắt giảm khí thải. Mỹ hiện vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto.

Các nước châu Phi đã trở lại bàn đàm phán sau khi được các quan chức nước chủ nhà đảm bảo rằng sẽ lưu ý nhiều hơn tới đề xuất của họ về kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị định thư Kyoto.

Tại cuộc thảo luận bàn tròn ngày 13/12, Trung Quốc đã thể hiện thái độ nhượng bộ khi tuyên bố rằng nước này không cần nhận bất kỳ phần tài trợ nào từ phương Tây dành cho các nước đang phát triển.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi chỉ trích trưởng đoàn Mỹ Todd Stern có hành động "phủi tay" khi đòi loại Trung Quốc ra khỏi danh sách những nước đang phát triển được nhận tài trợ để đối phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Hà Á Phi cảnh báo các nước phương Tây không được biến Trung Quốc thành kẻ "giơ đầu chịu báng" trong trường hợp hội nghị không thông qua được thỏa thuận mới. Trung Quốc chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới nhưng chưa đưa ra cam kết cụ thể về cắt giảm khí thải.

Trong bối cảnh chỉ còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Liên hợp quốc để thông qua thỏa thuận mới, quan chức hàng đầu Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Yvo de Boer khẳng định tiến trình đàm phán đã đi được nửa chặng đường và vẫn có cơ hội đạt tiến bộ.

Bộ trưởng Môi trường Anh Ed Miliband kêu gọi các nhà đàm phán phối hợp hành động để thống nhất quan điểm về thỏa thuận mới, tránh đẩy mọi quyết định cho Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 18/12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục