Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF: Trung Quốc nên làm những gì?

Trung Quốc tin rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước đang đặt ra mối đe dọa cho sự ổn định chiến lược tại khu vực bởi Mỹ có thể sẽ áp dụng một chính sách hạt nhân hung hăng hơn.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF: Trung Quốc nên làm những gì? ảnh 1Một vụ thử tên lửa hành trình đất đối không tầm trung tại đảo San Nicolas, bang California (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng moderndiplomacy.eu đưa tin Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký kết lần đầu tiên hồi năm 1987 với mục tiêu loại bỏ hàng loạt vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân, các loại tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Cả Mỹ và Liên Xô rốt cuộc đã tiêu hủy 2.692 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất.

Sau khoảng 23 năm, vào năm 2014, Mỹ được cho là đã bắt Nga phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm hiệp ước, cụ thể là điều khoản “không sở hữu, sản xuất, thử nghiệm… và không sản xuất các bệ phóng cho các tên lửa phóng từ mặt đất.

Sau nhiều lần nhắc lại các lý lẽ của mình, đến tháng 2/2019, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước này, chủ yếu vì 2 lý do sau: sự không tuân thủ hiệp ước của Nga và các mối đe dọa từ kho tên lửa tầm trung đang ngày càng lớn của Trung Quốc. Đáp trả động thái trên, Nga cũng đã rút khỏi hiệp ước này.

Phản ứng của Trung Quốc

Ngay lập tức, Mỹ đã cố mở rộng INF để có sự tham gia của Trung Quốc vào hiệp ước và kiềm chế kho tên lửa đạn đạo ngày càng phát triển của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi hiệp ước cũng như ý định mở rộng hiệp ước của Washingotn.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “việc lấy Trung Quốc ra làm cái cớ để rút khỏi hiệp ước là hoàn toàn sai lầm."

[Nga tin tưởng về khả năng đối thoại sau khi Hiệp ước INF bị hủy bỏ]

Cần phải nhớ rằng kể từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã phát triển kho vũ khí khổng lồ gồm hơn 2.000 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, đặc biệt để phục vụ chiến lược quân sự của nước này nhằm đối phó với các lực lượng Mỹ nếu xung đột khu vực nổ ra và Mỹ cố can thiệp, chẳng hạn như một cuộc xung đột lãnh thổ tại Đài Loan hoặc tại bất kỳ hòn đảo nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trung Quốc tin rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước đang đặt ra mối đe dọa cho sự ổn định chiến lược tại khu vực bởi Mỹ có thể sẽ áp dụng một chính sách hạt nhân hung hăng hơn.

Hiện có thể dự đoán rằng Mỹ sẽ triển khai các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất ở Đông Á, vốn là điều bị cấm trong INF.

Những tác động chính sách đối với Trung Quốc

Về chính sách đối ngoại, sau khi Mỹ rút khỏi INF, Trung Quốc nên nỗ lực củng cố các mối quan hệ liên minh với các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi có khả năng rất cao rằng Tokyo - với tư cách là một đồng minh của Mỹ - sẽ bị gây sức ép và vì thế sẽ cho phép các tên lửa của Mỹ được triển khai tại các căn cứ quân sự của Nhật Bản nhằm răn đe Trung Quốc.

Một liên minh như vậy chỉ có thể đối phó trên phương diện ngoại giao dựa trên nền tảng các lợi ích chung. Mục tiêu cuối cùng nên là cản trở sự can thiệp của Mỹ vào khu vực châu Á.

Hơn thế, mức độ minh bạch cần được duy trì trong các quyết định chính sách ngoại giao, bởi các tên lửa số lượng lớn tên lửa - vốn có thể được trang bị với các ngòi nổ thông thường lẫn hạt nhân gây ra nghi ngại - góp phần gia tăng nguy cơ leo thang trong một cuộc xung đột quân sự.

Về chính sách quốc phòng và quân sự, Trung Quốc có thể đáp trả động thái rút khỏi hiệp ước của Mỹ bằng cách dần dần nâng cao năng lực quân sự của mình; đảm bảo khả năng duy trì các vũ khí hạt nhân, tích lũy năng lực chỉ huy và kiểm soát các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại, triển khai áp dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV), xây dựng và phát triển các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể đầu tư vào các vũ khí trong không gian mạng để ngăn chặn các hệ thống chỉ huy, thông tin và kiểm soát của Mỹ.

Trung Quốc hiện có thể khởi động nỗ lực phát triển hiệu quả và năng suất bộ ba hạt nhân bởi các tàu ngầm có trang bị tên lửa hạt nhân, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của nước này không phải là đối thủ của Mỹ.

Về chính sách kinh tế-thương mại, Trung Quốc đang phát triển để trở thành một bá chủ khu vực bằng các năng lực quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm.

Hiện nay, nước này đang dồn trọng tâm vào việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế và đầu tư vào ngoại thương nhiều hơn là mở rộng kho vũ khí quân sự, bởi Trung Quốc đã có đủ năng lực quân sự để ngăn chặn Mỹ.

Thêm nữa, khi rời khỏi INF, Mỹ chỉ cần gia tăng số lượng chứ không phải chất lượng các tên lửa của mình, bởi Mỹ cũng đã triển khai tên lửa trên biển và trên không của mình ở khu vực châu Á và hiệu quả hơn so với các tên lửa mặt đất.

Hiện đang có một cơ hội lớn cho thấy với việc mở rộng các sáng kiến thương mại sang Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc có thể thuyết phục các nước này về mặt ngoại giao để họ không cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ chiến lược của họ.

Nhật Bản cũng đã phản đối việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, và theo truyền thống của nước này, các chính quyền địa phương cũng có tiếng nói trong mỗi tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại, theo đó điều này sẽ phải được đưa ra thông qua sự nhất trí của công chúng và cũng cần lưu ý rằng công chúng tại Nhật Bản vẫn phản đối việc Mỹ triển khai các tên lửa trong lãnh thổ Nhật Bản.

Trong trường hợp của Hàn Quốc, nước này đang phải đối diện với các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trị giá khoảng 7 tỷ USD vì triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ để chống lại Triều Tiên, và dĩ nhiên Seoul không muốn chịu một lệnh trừng phạt tương tự vì cho phép Mỹ lại tiếp cận các căn cứ chiến lược của mình, mà lần này lại để nhắm trực tiếp vào Trung Quốc.

Có thể lập luận rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước là không công bằng, và các kế hoạch triển khai tên lửa hành trình mặt đất của Mỹ tại khu vực châu Á cũng là một động thái rất khiêu khích, theo đó chắc chắn sẽ gây bất ổn cán cân khu vực, gây ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự và chắc chắn có thể khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.

Sẽ có lợi hơn cho các siêu cường nếu có thể đàm phán ngoại giao về các vấn đề như vậy và đưa ra một phiên bản mở rộng của hiệp ước INF nhằm góp phần vào mục tiêu kiểm soát vũ khí tốt hơn và rốt cuộc là đi đến giải giáp vũ khí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục