Mỹ tạm hoãn thúc đẩy tiến trình phê chuẩn CTBT

Chính quyền Obama sẽ tạm hoãn thúc đẩy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện để tập trung cho Hiệp ước START mới.
Chính quyền Barack Obama sẽ tạm hoãn thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) tại Thượng viện Mỹ, thay vào đó tập trung mọi nỗ lực để Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới sớm được cơ quan lập pháp Mỹ được thông qua. 

Phát biểu trước báo giới ngày 5/5 bên lề Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) tại New York, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Ellen Tauscher khẳng định ưu tiên số một của chính quyền Obama hiện nay là thông qua hiệp định START mới.

Bà cho biết Tổng thống Obama sẽ gửi CTBT lên Thượng viện phê chuẩn khi đã hội đủ các điều kiện chính trị cần thiết.

Theo luật Mỹ, để START mới được Thượng viện thông qua, buộc phải có 67/100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống Obama chỉ có 57 ghế tại cơ quan lập pháp này.

Xét về tương quan lực lượng, việc đảng Dân chủ muốn kiếm đủ phiếu ủng hộ là rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm ngoái, hàng chục thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã gửi thư cho tổng thống nói rằng START mới không được hạn chế và ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ.

START mới được hai tổng thống Nga và Mỹ ký ngày 8/4 vừa qua, theo đó số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên sẽ giảm hơn 30% (từ 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn) so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược ký tại Mátxcơva, Nga đầu năm 2002.

START mới có hiệu lực 10 năm kể từ ngày quốc hội hai nước phê chuẩn và có thể gia hạn mỗi lần 5 năm.

Trong khi đó, với nội dung cấm các nước tiến hành các vụ thử hạt nhân vì mục đích quân sự và dân sự, CTBT đã được 71 quốc gia ký năm 1996, trong đó có năm cường quốc hạt nhân hàng đầu là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.

Hiện số nước ký văn kiện này đã tăng lên 182 nước, trong đó có 151 nước đã thông qua.

Cho đến nay, CTBT vẫn chưa thể có hiệu lực do chưa được 44 nước nghiên cứu và sở hữu các cơ sở điện hạt nhân vào năm 1996 (thời điểm hiệp định ra đời) thông qua.

Hiện nay mới chỉ có 35 nước trong số này phê chuẩn văn kiện trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục