Mỹ-Nhật sẽ là liên minh quân sự đầu tiên hoạt động trong không gian

Tác động chính trị của sự liên kết trong phòng vệ không gian sẽ dễ dàng tạo ra sự mở rộng đặc quyền của liên minh Mỹ-Nhật ra ngoài các ranh giới lãnh thổ trên Trái Đất.
Mỹ-Nhật sẽ là liên minh quân sự đầu tiên hoạt động trong không gian ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, với việc Mỹ ngày 21/12/2019 đã thiết lập một nhánh độc lập và toàn quyền của quân đội phục vụ hoàn toàn cho mảng không gian - Lực lượng Không gian Mỹ, cuộc chạy đua toàn cầu nhằm giải phóng một phần của sức mạnh quân sự quốc gia khỏi những hạn chế ở trên mặt đất và đưa nó vào quỹ đạo đã chính thức bắt đầu.

Tuyên bố này cũng kích hoạt một hiệu ứng dây chuyền bất ngờ: sự quan tâm ngày càng lớn dành cho các hoạt động quân sự trong không gian của các đồng minh và đối tác Mỹ, những nước không có lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi những nơi mà quân đội Mỹ di chuyển lực hấp dẫn của mình.

Đặc biệt, Nhật Bản mới đây đưa ra các tuyên bố chỉ rõ ý đồ của mình trong việc duy trì sự hợp tác đều đặn với Mỹ, ít nhất là trong vấn đề quốc phòng.

Ngày 5/1/2020, tròn hai tuần sau khi Mỹ tuyên bố thành lập Lực lượng Không gian, chính phủ Nhật Bản thông báo đang có kế hoạch đổi tên Lực lượng Phòng Không Nhật Bản thành Lực lượng Phòng vệ Không gian Nhật Bản.

Tiếp đó, vào ngày 21/1, trong một bài phát biểu được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 60 năm Liên minh Mỹ-Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên thệ sẽ đưa liên minh này thành “một trụ cột cho việc bảo vệ hòa bình và an ninh trong cả hai lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng.”

Trong một động thái ít được quan tâm nhưng lại là một hệ quả liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang hoàn tất một dự luật để đệ trình lên Nghị viện, đề nghị thành lập một đơn vị quân sự dành riêng cho lĩnh vực không gian với khoảng 20 nhân viên.

[Mỹ khuyến khích các công ty tư nhân chinh phục vũ trụ]

Mặc dù con số không đáng kể này có thể chỉ vừa đủ để đảm trách một cách hiệu quả nhiệm vụ của họ là kiểm tra các mảnh vụn trong không gian và các “vệ tinh đáng ngờ,” động thái này vẫn là một bước đi ý nghĩa đối với một quốc gia thường xuyên phải nỗ lực với những sự phát triển quốc phòng toàn cầu do những hạn chế riêng và những mối lo ngại về vấn đề pháp lý của Nhật Bản.

Dù thế nào thì cũng thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến Nhật Bản, một quốc gia vẫn đang sử dụng loại máy bay chiến đấu F-4 từ thập niên 60 của thế kỷ XX (mặc dù đang có các kế hoạch thay thế bằng máy bay F-35), và còn đang dự định đưa vào sử dụng chiếc Máy bay Chiến đấu quân sự Điều khiển Từ Xa đầu tiên (mẫu máy bay mà Mỹ đã sử dụng gần 20 năm nay) vào năm 2021, đang cân nhắc một cách nghiêm túc về vấn đề quốc phòng trong lĩnh vực không gian.

Những thay đổi này có một số hàm ý như sau:

Thứ nhất, thái độ của chính phủ Nhật Bản về không gian và vị trí của nó trong mối liên minh Mỹ-Nhật phản ánh những thứ bị đe dọa trong cuộc xung đột quan trọng tới đây, vốn chắc chắn liên quan đến không gian.

Trong bối cảnh số lượng các hệ thống thương mại và chính phủ phụ thuộc vào các sở hữu không gian và sự hỗ trợ trong không gian đang ngày càng gia tăng, không gian không thể bị xem là một mối đe dọa trong tương lai nữa, mà ngay bây giờ là lúc cần phải đưa không gian vào chiến lược liên minh.

Tuy vậy, chiến lược này cần phải được củng cố. Hiện nay, Nhật Bản nhắc đến không gian như một “lĩnh vực mới” trong Đường lối Chỉ đạo Chương trình Quốc phòng 2018 và đã trình bày ngắn gọn về phòng vệ không gian trong Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản thường niên năm 2019. Không gian đã hoàn toàn bị bỏ quên trong Đường lối Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Nhật 2015 hiện đã lỗi thời.

Thứ hai, sự chú trọng của Nhật Bản vào lĩnh vực này là một động thái tốt cho liên minh, và giúp củng cố tính bền vững của nó. Nếu Nhật Bản áp dụng những bước đi có tính toán để theo chân đồng minh của mình, và nếu Nhật Bản đóng góp một cách đáng kể vào an ninh không gian, thì không gian sẽ khó có thể trở thành một vết sẹo khác mà liên minh không thể khắc phục.

Thêm vào đó, có một lợi ích chiến lược để áp dụng lập trường về cả vị trí lẫn hình thức trong vấn đề không gian. Mặc dù các nước khác sẽ nỗ lực để “suy nghĩ nghiêm túc” về không gian, và sẽ phải quyết định giữa quy mô, phạm vi và năng lực của các lực lượng của họ, thì Nhật Bản đã xác định được tầm nhìn chính trị và quốc phòng về không gian, đồng nghĩa với việc họ cũng đã nhận thức được hệ quả của không gian trong liên minh phòng thủ.

Điều này là tốt, bởi các mối đe dọa chính trị đặt ra trong không gian là rất thực tế. Bất chấp sự tồn tại của Hiệp ước Không gian Vũ trụ 1967 với mục đích tốt nhưng lại thiếu sức nặng, vốn cấm sử dụng các hoạt động vũ lực trong không gian, tương lai rõ ràng là không gian sẽ hành động như một sân khấu khác, mà ở đó các trò chơi chính trị của các nhà nước bị giới hạn trong đất liền sẽ chơi đến cùng.

Sự cạnh tranh giữa các nhà nước độc lập sẽ không biến mất khi các nhà nước tìm ra và tài trợ cho các lực lượng du hành, thám hiểm và khai thác màn đêm tối trong không gian; mà thay vào đó, cạnh tranh sẽ càng mạnh mẽ, bởi những phát hiện với các ứng dụng về cả quốc phòng và kinh tế được tạo ra, và bởi các nhà nước nhận thức được rõ hơn về mức độ nguy hiểm của họ nếu không có một sự phòng vệ và răn đe của riêng mình trong không gian.

Những quyết định của chính phủ Nhật Bản trong việc củng cố các năng lực phòng vệ không gian xuất phát từ một sự pha trộn của chiến lược trên mặt đất, các thực tế chính trị, và sự thận trọng trong quản lý vấn đề liên minh.

Tuy nhiên, những thách thức đáng kể vẫn tồn tại. Trước hết là vì các nhà nước độc lập ngày nay (bao gồm cả Mỹ) đều đang rụt rè trong các năng lực phòng vệ không gian và công nghệ đặt trọng tâm vào không gian, đồng nghĩa với việc hoạt động quân sự trong không gian của liên minh sẽ chuyển động với tốc độ của thành viên chậm nhất.

Tiếp theo là vì chúng ta chưa biết được một cuộc xung đột không gian giữa các bên sở hữu những sức mạnh không gian tương tự sẽ ra sao, khiến cho việc lên kế hoạch cho chiến tranh sẽ trở nên khó khăn và đặt ra một thách thức cấp bách cho sự hợp tác liên minh nếu một cuộc xung đột như vậy xảy ra.

Bất chấp những sự do dự này, các tuyên bố mới đây của chính phủ Nhật Bản là rất tích cực và sẽ giúp dẫn dắt cả liên minh lẫn mối quan hệ Mỹ-Nhật vượt qua được giai đoạn xích mích thương mại tương đối chông gai hiện nay.

Chắc chắn là tác động chính trị của sự liên kết trong phòng vệ không gian sẽ dễ dàng tạo ra sự mở rộng đặc quyền của liên minh Mỹ-Nhật ra ngoài các ranh giới lãnh thổ trên Trái Đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục