Nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật tài chính

Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượg kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật tài chính ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên hop. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Nâng cao chất lượng kiểm toán

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Kiểm toán nhà nước, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Cùng với việc tiếp tục đổi mới hoạt động, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán cơ bản bám sát Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chặt chẽ, công khai, minh bạch.

[Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến 6 dự án luật]

Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán tiếp tục được chú trọng, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán tại các đơn vị từng bước đi vào nền nếp và ngày càng chất lượng, phản ánh đúng thực chất.

Đáng chú ý, đến ngày 31/8, toàn ngành đã triển khai 144 trong tổng số 211 đoàn, kết thúc 108 đoàn, phát hành 83 báo cáo kiểm toán.

Các cuộc kiểm toán kết thúc cơ bản thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Tổng hợp sơ bộ kết quả, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra; đề xuất kiến nghị sửa đổi 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Hợp tác quốc tế và nhiều nhiệm vụ khác cũng đạt kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc ban hành Kế hoạch về phòng, chống tham nhũng năm 2021 còn chậm; việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 chưa phân tích, báo cáo đầy đủ, dẫn đến thông tin phản ánh hoạt động trong năm 2021 chưa đầy đủ, toàn diện.

Về công tác xây dựng và phổ biển pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh, việc ban hành các văn bản đạt tỷ lệ khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra.

Nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật tài chính ảnh 2Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đến 31/8, Kiểm toán Nhà nước mới ban hành được 9 trong tổng số 28 văn bản; đồng thời đề nghị báo cáo rõ lý do việc chậm ban hành các văn bản theo kế hoạch, trong đó lưu ý báo cáo rõ việc rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019.

Trong khi đó, số lượng các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm có thay đổi, điều chỉnh khá nhiều. Báo cáo cần làm rõ sự cần thiết, lý do điều chỉnh và nội dung các cuộc kiểm toán cắt, giảm, bổ sung; tăng cường công tác dự báo, đánh giá phạm vi, nội dung kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để thống nhất các nội dung cần kiểm toán ngay từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm, hạn chế tối đa việc điều chỉnh kế hoạch.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành kiểm toán, đảm bảo phục vụ đầy đủ, chính xác thông tin, số liệu; nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, chuyển đổi phương pháp, quy trình theo đúng yêu cầu của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

Về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2021 thấp hơn so với các năm trước, đến ngày 31/8/2021 chỉ đạt 49,9% (năm 2020 đạt 55,9%; năm 2019 đạt 51,3%), trong đó việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế văn bản các năm gần đây đạt tỷ lệ thấp.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung, làm rõ chi tiết danh mục các văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế; bổ sung báo cáo việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng từ những năm trước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực thiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước qua từng năm.

Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm các giải pháp, phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ này trong năm 2022.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đối với kiến nghị về chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kiến nghị Kiểm toán Nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổng hợp, báo cáo rõ các trường hợp vi phạm, kết quả xử lý; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai các kết luận, kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận và tạo sức ép trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Để người dân giám sát trở lại hoạt động kiểm toán

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Trong bối dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Kiểm toán Nhà nước có nỗ lực, cố gắng rất lớn, có nhiều giải pháp linh hoạt, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước hoạt động toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn, bám sát quy định của pháp luật. “Đồng thời, cần công khai, minh bạch hoạt động - vũ khí quan trọng của kiểm toán để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách; thông qua đó, người dân và xã hội giám sát trở lại hoạt động kiểm toán,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật tài chính ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên hop. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Cơ bản đồng tình với kế hoạch kiểm toán trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong mục tiêu kiểm toán chung cần tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đặt lên hàng đầu; đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách; việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; đảm bảo an toàn, bền vững của nợ công...

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng thêm việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, cần xem xét mục đích để sử dụng hiệu quả.

“Nước ta là nước nghèo, chống dịch phải có hiệu quả nhưng cũng phải tiết kiệm. Phải xem xét việc tập trung nguồn lực, nhân lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành kiểm toán trong năm nay, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, kể cả nguồn huy động xã hội,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm toán công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở Trung ương và địa phương; lưu ý nhiệm vụ trọng điểm kiểm toán năm 2022 đối với việc đánh giá việc thực thi, chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…/.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục