Nền kinh tế Bờ Tây gặp khó khăn khi người Palestine mất việc làm ở Israel

Sau khi xảy ra xung đột, Israel đã quyết định chấm dứt giấy phép lao động của người Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza, khiến nhiều người lao động vốn có thu nhập thấp phải vật lộn để sinh tồn.

Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza, một lãnh thổ tách rời của Palestine nằm ven Địa Trung Hải và tiếp giáp với Israel, nhưng tác động của xung đột đang được cảm nhận rõ nét ở Bờ Tây.

Sau khi xảy ra xung đột hôm 7/10, Israel đã quyết định chấm dứt giấy phép lao động của người Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza, khiến nhiều người lao động vốn có thu nhập thấp phải vật lộn để sinh tồn.

Anh Ibrahim Al-Qiq, một người Palestine ở Bờ Tây, đã bị hủy giấy phép lao động tại Israel sau khi cuộc xung đột Gaza bắt đầu nổ ra, khiến anh rơi vào tuyệt vọng và nợ nần như hàng nghìn người khác tại Bờ Tây.

Anh Al-Qiq chia sẻ: "Chúng tôi đã tiêu hết số tiền kiếm được. Hiện chúng tôi đang đối mặt với các khoản nợ chồng chất. Chúng tôi cần phải kiếm tiền để mua đồ dự trữ, trả tiền thuê nhà cũng như các hóa đơn điện và nước." Al-Qiq cho biết thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, anh đã phải vay mượn gần 7.000 shekel (gần 1.870 USD).

Vùng quê miền núi Kharas của anh Al-Qiq, gần thành phố Hebron ở Bờ Tây, có khoảng 12.000 cư dân. Theo chính quyền địa phương, 70% lực lượng lao động của vùng này đã phải vượt qua các trạm kiểm soát của Israel một cách khó khăn để tới làm việc tại Israel mỗi ngày.

Những người còn lại làm việc cho Chính quyền Palestine (PA), nhưng PA cũng đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên, trong bối cảnh nền kinh tế Palestine đã giảm hơn 1/3 trong tháng qua sau khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra.

Bà Manal Qarhan, một quan chức thuộc Bộ Kinh tế Palestine, nói rằng Israel đã hủy 130.000 giấy phép lao động của người Palestine ở Bờ Tây và giữ lại 600 triệu shekels (160 triệu USD) tiền thuế hàng hóa của Palestine.

Theo bà Qarhan, PA hiện đang thất thu 24 triệu USD mỗi ngày do mất nguồn thu từ thuế và lượng du khách là người Palestine sống ở Israel sụt giảm mạnh. Người lao động Palestine đã không nhận được bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ Israel như những lao động người Israel. Bên cạnh đó, họ cũng không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ PA.

Ông Tareq Al-Hlahla, một lao động mất việc làm và đang phải vật lộn để nuôi gia đình gồm 10 người, cho biết nhiều phụ nữ đã phải bán đồ trang sức của họ để lấy tiền mua thực phẩm cho gia đình.

Còn ông Ahmed Radwan, chủ một một siêu thị nhỏ ở vùng Kharas, chia sẻ doanh số bán hàng của siêu thị đã giảm 70% và ông đã ngừng bán chịu cho khách khi nợ của khách hàng chiếm tới 40% tổng doanh thu. Do khó khăn, ông Radwan đã sa thải phần lớn nhân viên.

Theo Bộ Kinh tế Palestine, Israel đã thiết lập khoảng 130 trạm kiểm soát quân sự cố định và di động Bờ Tây. Người dân địa phương nói rằng các trạm kiểm soát này đã làm trầm trọng thêm tác động kinh tế của xung đột Gaza vì chúng gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển nông sản và việc đi lại của người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục