Nepal lên kế hoạch mở cửa trở lại các di sản vào giữa tháng 6

Quảng trường Kathmandu Durbar và Swayambhunath ở thủ đô Kathmandu, cũng như Quảng trường Patan Durbar ở tỉnh Lalitpur sẽ được mở cửa đón du khách từ ngày 15/6.
Nepal lên kế hoạch mở cửa trở lại các di sản vào giữa tháng 6 ảnh 1Quảng trường Durbar, một quần thể di tích với nhiều đền chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ 12 và 18. (Ảnh: Pietro Columba)

Giới chức Nepal ngày 27/5 cho biết nước này đã quyết định vào tháng Sáu sẽ mở cửa trở lại ba di sản thế giới, sau một thời gian phải đóng cửa đối với khách du lịch kể từ trận động đất kinh hoàng hồi tháng Tư vừa qua.

Cục trưởng Cục Khảo cổ Nepal, Bhesh Narayan Dahal thông báo Quảng trường Kathmandu Durbar và Swayambhunath ở thủ đô Kathmandu, cũng như Quảng trường Patan Durbar ở tỉnh Lalitpur sẽ được mở cửa đón du khách từ ngày 15/6. Những phần không an toàn của các công trình này sẽ được che lại trong khi phần còn lại sẽ phục vụ du khách tham quan.

Ba công trình trên đã bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất hôm 25/4 vừa qua.Trận động đất và các dư chấn đã làm hư hại 721 công trình ở 20 tỉnh trên cả nước, trong đó khoảng 130 công trình bị phá hủy hoàn toàn.

Cục Khảo cổ Nepal cho biết ba di sản thế giới khác - gồm Boudhanath, Pashupatinath và Quảng trường Bhaktapur Durbar, gần như không bị ảnh hưởng và an toàn đối với khách tham quan.

Tuy nhiên, hiện giới chức Nepal chưa có quyết định về một di sản khác là Đền Changunarayan, ở tỉnh Bhaktapur, nơi cũng bị hư hại nặng nề. Theo ông Dahal, việc tái thiết và trùng tu những công trình bị hư hại và phá hủy có thể tốn hơn 100 triệu USD, và có thể mất tới 5-7 năm.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chương trình Lương thực Thế giới Liên hợp quốc (UNWFP) thông báo tuyển hàng nghìn người để mang đồ cứu trợ tới những nơi xa xôi hẻo lánh của Nepal hiện không thể tiếp cận bằng đường bộ do động đất. Chiến dịch này nhằm phân phát lương thực và lều bạt cho khoảng 100.000 người ở các khu vực núi cao hẻo lánh và các ngôi làng bị cô lập vì lở đất.

Phát biểu với báo giới, điều phối viên khẩn cấp của WFP Richard Ragan cho biết: "Chúng tôi có lương thực, còn họ có kinh nghiệm và những hiểu biết rất cần thiết."

Dự kiến trong giai đoạn đầu của dự án này, khoảng 4.000 người khuân vác sẽ bắt đầu làm việc tại hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Dhading và Dolakha.

Hơn 6.800 người đã thiệt mạng bởi hai trận động đất tại Nepal ngày 25/4 và 12/5. Gần nửa triệu ngôi nhà đã bị phá hủy, hàng nghìn người phải sống trong cảnh thiếu lương thực và nước uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục