Tập đoàn nhà nước Nga Gazprom ngày 23/10 đã bắt đầu khai thác ở một trong những mỏ khí đốt tự nhiện lớn nhất thế giới sau 40 năm nó được các nhà khoa học Liên Xô phát hiện ở gần vùng Bắc Cực băng giá không người ở. Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân ấn nút khởi động dây chuyển khai thác khí đốt thương phẩm tại mỏ gần Bắc Cực này, được phát hiện từ đầu những năm 1970 và từng gây sốt vì khối lượng khổng lồ của mỏ khí. Mỏ Bovanenkovo trên bán đảo Yamal tại mỏm cực Tây Bắc Siberia được Gazprom ước tính có trữ lượng 4,9 nghìn tỉ mét khối khí đốt, con số khiến nó nằm trong nhóm ba mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Nhưng mỏ này cũng nằm ở một vùng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt và đã không thể tiếp cận ngay cả cho những hoạt động thông tin liên lạc cơ bản trong nhiều năm trời. “Mỏ khí đốt này sẽ sản xuất ra 115 tỉ mét khối khí và sau đó sẽ tăng dần lên 140 tỉ”, ông Putin nói với các công nhân làm việc ở mỏ qua đường truyền video trực tuyến từ Moskva. “Lượng khí đốt đó gần tương đương với lượng mà chúng ta hiện đang xuất sang châu Âu.” Mỏ khí đốt khổng lồ này, lớn thứ hai ở Nga chỉ sau mỏ Urengoi của Gazprom ở miền nam, là một phần trong dự án khai thác Bắc Cực mà Gazprom đặt rất nhiều hy vọng. Công ty khí đốt và dầu mỏ lớn nhất nước Nga đã phải chứng kiến lượng xuất khẩu sang châu Âu giảm trong năm ngoái sau khi không tăng trong nhiều năm do sản lượng và mức cầu thấp vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gazprom đã quyết định thực hiện một chiến lược nhiều rủi ro khi không phát triển các mỏ mới mà mua khí đốt từ các nước khác trong khi chờ đợi mở Bovanenkovo đi vào hoạt động. Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, nói hãng dự tính sẽ mở gần 150 giếng khai thác trong năm nay cung cấp cho châu Âu và thay thế cho mức cung sụt giảm do mỏ Shtokman ở biển Barents hiện tạm ngừng khai thác.
“Chúng ta dự tính tạo ra một tỉnh khí đốt và dầu mỏ ở Yamal”, Putin nói trong đoạn băng trực tuyến. “Chúng ta sẽ mở hàng chục khu mỏ mới đầy hứa hẹn”. Nga hiện cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu và là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới./.
Trần Trọng (Vietnam+)