Ngành công nghiệp ôtô Mexico đối mặt với khủng hoảng

Do chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, sản lượng ôtô của Mexico trong tháng 4/2020 chỉ đạt 3.722 xe và doanh số bán xe là 34.903 chiếc, giảm lần lượt 98,8% và 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà máy sản xuất ôtô của Ford tại Mexico. (Nguồn: AFP)
Nhà máy sản xuất ôtô của Ford tại Mexico. (Nguồn: AFP)

Hiệp hội các nhà phân phối ôtô Mexico (AMDA) nhận định, bất chấp việc chính phủ nước này có thể mở cửa lại các hoạt động sản xuất vào giữa tháng này, lĩnh vực ôtô vẫn tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc trong năm 2020, khi doanh số bán hàng ước chỉ đạt 664.424 xe, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó Tổng Giám đốc AMDA Guillermo Rosales Zárate cho biết, do chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, sản lượng ôtô của Mexico trong tháng 4/2020 chỉ đạt 3.722 xe và doanh số bán xe là 34.903 chiếc, giảm lần lượt 98,8% và 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, Mexico đã lắp ráp 912.115 xe ôtô, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức giảm kỷ lục kể từ năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu đạt 807.183 chiếc, giảm 28%.

[Mexico triển khai kế hoạch đối phó COVID-19 cấp cao nhất]

Ngành công nghiệp ôtô của Mexico ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp trong vòng 3 năm qua. Năm 2019, sản lượng ôtô của nước này đạt 3,75 triệu xe và xuất khẩu là 3,33 triệu xe, lần lượt giảm 4,1% và 3,5% so với năm 2018.

Các thị trường nhập khẩu ôtô hàng đầu của Mexico đều giảm mạnh trong năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường nhập khẩu tới 80% ôtô của Mexico - giảm tới 17%, tiếp theo là Canada (-12%), Mỹ Latinh (-29%), châu Âu (-18,7%) và châu Á (-13,3%).

Mexico hiện là nước sản xuất ôtô lớn thứ sáu thế giới. Bên cạnh đó, Mexico cũng đứng thứ năm thế giới về sản xuất phụ tùng ôtô, với doanh thu hằng năm đạt 92 tỷ USD, và đứng thứ năm toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu xe và phụ tùng xe ôtô hạng nặng phục vụ ngành công nghiệp xây dựng và nông nghiệp.

Ngành công nghiệp ôtô của Mexico hiện đóng góp trên 3% GDP và tạo trên 840 nghìn việc làm trực tiếp.

Trong giai đoạn 2012-2019, lĩnh vực này đã thu hút trên 29 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục