Ngành ngân hàng châu Âu đang lâm vào tình thế khó khăn.
Điều này được bộc lộ qua việc Dexia, ngân hàng liên doanh Pháp-Bỉ-Luxembourg, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (Eurozone), khi ngày 10/10 đành phải chấp nhận bán 100% cổ phần chi nhánh ngân hàng Dexia Bank Belgium (DBB) tại Bỉ và sự bảo lãnh của nhà nước theo một kế hoạch giải cứu có thể buộc chính phủ các nước Eurozone tăng cường "thể trạng" của ngành ngân hàng.
Ngoài ra hàng loạt ngân hàng tại Anh, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Sĩ... cũng đều bị rớt hạng tín nhiệm.
Thực trạng trên buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải cam kết phối hợp hành động, song liệu họ có giải cứu được hệ thống ngân hàng qua cơn “bĩ cực” hay không hiện chưa thể tiên lượng.
Hàng loạt ngân hàng rớt hạng tín nhiệm
Đầu tháng 10 năm nay, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã đánh tụt hạng tín nhiệm của 12 tập đoàn tài chính Anh, trong đó có các ngân hàng Lloyds TSB, Royal Bank of Scotland (RBS), Nationwide và Santander, sau khi có tin London sẽ không còn hỗ trợ mang tính hệ thống đối với bảy thể chế tài chính nhỏ hơn và giảm hỗ trợ đối với năm thể chế tài chính lớn.
Sau đó khoảng một tuần, ngày 13/10, tới lượt Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm của 10 ngân hàng Tây Ban Nha, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA), do triển vọng tăng trưởng yếu và những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường bất động sản.
Ngay sau đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm có uy tín khác là Fitch tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của sáu ngân hàng Tây Ban Nha, kể cả Banco Santander và BBVA.
Fitch đã hạ một bậc xếp hạng của ngân hàng Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland (Anh), Landesbank Berlin và Berlin-Hannoversche Hypothekenbank (Đức) và UBS của Thụy Sĩ, sau khi đánh giá lại cam kết của chính phủ các nước về việc đảm bảo sự tồn tại của những ngân hàng này nếu xảy ra khủng hoảng.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước đã hạn chế hoặc dừng việc sử dụng tiền của người đóng thuế để cứu trợ các ngân hàng, song tình trạng này vẫn diễn ra ở châu Âu khi các chính phủ muốn giữ vững niềm tin của thị trường trong bối cảnh khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Chưa dừng lại ở đó, Fitch còn đặt 12 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu vào "tầm ngắm" rớt hạng tín nhiệm do tình trạng dễ bị tổn thương hơn trước những căng thẳng của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong số đó có Barclays Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Societe Generale, những ngân hàng nằm trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới mà doanh thu vốn phụ thuộc rất lớn vào các giao dịch tài chính.
Việc Fitch đặt các ngân hàng này trước triển vọng tiêu cực là do mô hình kinh doanh và cơ cấu hoạt động của họ đặc biệt nhạy cảm trước những thách thức ngày càng lớn mà các thị trường tài chính đang đối mặt. Điều đó cũng xuất phát từ lo ngại những rủi ro trên các thị trường hiện nay giống với gì mà các ngân hàng và hệ thống tài chính toàn cầu đã trải qua trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng nợ
Chính phủ ba nước liên quan đến Ngân hàng Dexia gồm Pháp, Bỉ và Luxembourg đã phải ra tay giải cứu Dexia sau khi Ngân hàng này trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hai năm qua ở Eurozone.
Ban lãnh đạo Dexia đã buộc phải đồng ý bán 100% cổ phần chi nhánh Dexia Bank Belgium (DBB) tại Bỉ để giải quyết khó khăn hiện nay và đảm bảo lợi ích của cổ đông và các đối tác, đồng thời cân nhắc bán tiếp Dexia BIL, chi nhánh chủ chốt tại Luxembourg. Theo đó, Chính phủ Bỉ sẽ trả 4 tỷ euro để mua Dexia Bank Belgium, hiện có 6.000 nhân viên, tổng giá trị tiền gửi 80 tỷ euro từ 4 triệu khách hàng.
Dexia cũng đạt được sự bảo lãnh của nhà nước trị giá lên tới 90 tỷ euro cho các khoản vay trong 10 năm tới, trong đó Chính phủ Bỉ sẽ cung cấp 60,5% khoản bảo lãnh này, Chính phủ Pháp đảm trách 36,5% và phần còn lại 3% thuộc về Chính phủ Luxembourg.
Thêm một đòn nữa giáng vào Dexia khi Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín nhiệm xuống A- do những căng thẳng trên thị trường tài chính liên ngân hàng đã hạn chế Dexia tiếp cận các thị trường tài chính lớn.
Dexia đang đối mặt với ngày càng nhiều yêu cầu về cho vay thế chấp, khiến Ngân hàng khó thực hiện kế hoạch thu hẹp lỗ hổng tài chính vào cuối năm 2011. Năm 2008, Dexia từng được bảo lãnh phá sản, do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việc chính phủ Pháp, Bỉ và Luxembourg phải ra tay cứu Dexia trong khi Ngân hàng này đã vượt qua cuộc sát hạch của Cơ quan giám sát ngành ngân hàng châu Âu (EBA) hồi tháng Bảy đã làm dấy lên quan ngại rằng ngay cả những ngân hàng đã vượt qua sát hạch cũng có thể trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ.
Theo kết quả sát hạch lần trước, chỉ có tám ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu về vốn và cần được rót thêm 2,5 tỷ euro, so với con số 200 tỷ euro như nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
EBA đang tiến hành đánh giá lại nền tảng vốn hiện nay của các ngân hàng, khi thị trường lo ngại về số trái phiếu của các nước thành viên yếu trong khu vực mà các ngân hàng này đang nắm giữ.
Gánh nặng của việc giải cứu Dexia đã khiến Moody's cảnh báo có thể sẽ hạ mức đánh giá tín nhiệm đối với trái phiếu của chính phủ Bỉ từ mức Aa1 hiện nay. Năm 2010, Bỉ có tỷ lệ nợ/GDP ở mức 96,2%, chỉ thấp hơn Hy Lạp và Italy, tương đương với Ireland.
Khẩn cấp tái cấp vốn
Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, những đợt sát hạch ngân hàng mới mà Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBC) dự kiến tiến hành trong thời gian tới có thể cho thấy, các ngân hàng trong khu vực cần tăng thêm vốn gần 300 tỷ euro.
Các nhà lãnh đạo Eurozone đã hối thúc các nước thành viên phối hợp thực hiện kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng như là một phần trong gói cứu trợ sau khi Chính phủ ba nước Pháp-Bỉ-Luxembourg đã phải chung tay giải cứu Dexia giữa những lo ngại sẽ có thêm các ngân hàng chịu chung số phận.
Trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso, đã kêu gọi các nước châu Âu khẩn cấp tăng vốn cho các ngân hàng bằng cách kêu gọi các nguồn vốn tư nhân. Trong trường hợp chính phủ không đủ khả năng cứu trợ, các ngân hàng có thể vay tiền từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
Để kiểm soát các ngân hàng, ông Barroso đề nghị cấm chia thưởng hay cổ tức trước khi thực hiện đợt tăng vốn. Mức vốn riêng tối thiểu của các ngân hàng theo quy định cũng sẽ phải được tăng lên 9% so với lượng tín dụng cho vay, cao hơn so với quy định hiện hành của châu Âu chỉ ở trong khoảng 6-7%.
Theo ông Jean-Claude, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, những rủi ro từ cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone đang tăng nhanh và đặt các ngân hàng vào "vùng nguy hiểm." Không những thế, cuộc khủng hoảng còn mang tính hệ thống và phải được giải quyết dứt điểm.
Những quan ngại đó đã nhắc nhở EBA cần có sự điều chỉnh trong các đợt sát hạch sắp tới để đánh giá hiệu quả hơn những nơi có vấn đề tiềm ẩn.
Đợt sát hạch 90 ngân hàng do EBA tiến hành hồi mùa Hè năm nay bị chỉ trích là chưa đủ cứng rắn bởi chỉ yêu cầu tỷ lệ vốn cơ bản 5%, nhưng không đề cập tới các thiệt hại nghiêm trọng liên quan tới việc nắm giữ nợ của Hy Lạp và nợ nước ngoài. Do đó chỉ có tám ngân hàng không vượt qua sát hạch. Theo hãng tin Reuters, nếu áp dụng tỷ lệ vốn 7%, con số đó phải là 48 ngân hàng.
Dựa trên những giả thiết kinh tế vĩ mô mà EBA đã sử dụng trong các đợt sát hạch vừa qua, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo những đợt sát hạch ngân hàng mới mà EBA dự kiến tiến hành trong thời gian tới có thể cho thấy các ngân hàng trong khu vực sẽ phải tăng thêm vốn gần 300 tỷ euro.
Goldman Sachs cũng yêu cầu các ngân hàng châu Âu cần phải có mức "đệm vốn" 9%, cao hơn mức mà EBA dự kiến sẽ đưa ra trong các đợt sát hạch mới sắp tới.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, có tới 68 trong số 91 ngân hàng sẽ không thể vượt qua được sát hạch của EBA, trong đó có cả các ngân hàng chủ chốt của Đức và Pháp.
Goldman Sachs cho rằng chỉ tái cấp vốn các ngân hàng không thôi sẽ chưa đủ, mà cần có một chương trình sâu, rộng hơn mới có thể giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng nợ Eurozone hiện nay./.
Điều này được bộc lộ qua việc Dexia, ngân hàng liên doanh Pháp-Bỉ-Luxembourg, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (Eurozone), khi ngày 10/10 đành phải chấp nhận bán 100% cổ phần chi nhánh ngân hàng Dexia Bank Belgium (DBB) tại Bỉ và sự bảo lãnh của nhà nước theo một kế hoạch giải cứu có thể buộc chính phủ các nước Eurozone tăng cường "thể trạng" của ngành ngân hàng.
Ngoài ra hàng loạt ngân hàng tại Anh, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Sĩ... cũng đều bị rớt hạng tín nhiệm.
Thực trạng trên buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải cam kết phối hợp hành động, song liệu họ có giải cứu được hệ thống ngân hàng qua cơn “bĩ cực” hay không hiện chưa thể tiên lượng.
Hàng loạt ngân hàng rớt hạng tín nhiệm
Đầu tháng 10 năm nay, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã đánh tụt hạng tín nhiệm của 12 tập đoàn tài chính Anh, trong đó có các ngân hàng Lloyds TSB, Royal Bank of Scotland (RBS), Nationwide và Santander, sau khi có tin London sẽ không còn hỗ trợ mang tính hệ thống đối với bảy thể chế tài chính nhỏ hơn và giảm hỗ trợ đối với năm thể chế tài chính lớn.
Sau đó khoảng một tuần, ngày 13/10, tới lượt Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm của 10 ngân hàng Tây Ban Nha, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA), do triển vọng tăng trưởng yếu và những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường bất động sản.
Ngay sau đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm có uy tín khác là Fitch tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của sáu ngân hàng Tây Ban Nha, kể cả Banco Santander và BBVA.
Fitch đã hạ một bậc xếp hạng của ngân hàng Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland (Anh), Landesbank Berlin và Berlin-Hannoversche Hypothekenbank (Đức) và UBS của Thụy Sĩ, sau khi đánh giá lại cam kết của chính phủ các nước về việc đảm bảo sự tồn tại của những ngân hàng này nếu xảy ra khủng hoảng.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước đã hạn chế hoặc dừng việc sử dụng tiền của người đóng thuế để cứu trợ các ngân hàng, song tình trạng này vẫn diễn ra ở châu Âu khi các chính phủ muốn giữ vững niềm tin của thị trường trong bối cảnh khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Chưa dừng lại ở đó, Fitch còn đặt 12 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu vào "tầm ngắm" rớt hạng tín nhiệm do tình trạng dễ bị tổn thương hơn trước những căng thẳng của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong số đó có Barclays Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Societe Generale, những ngân hàng nằm trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới mà doanh thu vốn phụ thuộc rất lớn vào các giao dịch tài chính.
Việc Fitch đặt các ngân hàng này trước triển vọng tiêu cực là do mô hình kinh doanh và cơ cấu hoạt động của họ đặc biệt nhạy cảm trước những thách thức ngày càng lớn mà các thị trường tài chính đang đối mặt. Điều đó cũng xuất phát từ lo ngại những rủi ro trên các thị trường hiện nay giống với gì mà các ngân hàng và hệ thống tài chính toàn cầu đã trải qua trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng nợ
Chính phủ ba nước liên quan đến Ngân hàng Dexia gồm Pháp, Bỉ và Luxembourg đã phải ra tay giải cứu Dexia sau khi Ngân hàng này trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hai năm qua ở Eurozone.
Ban lãnh đạo Dexia đã buộc phải đồng ý bán 100% cổ phần chi nhánh Dexia Bank Belgium (DBB) tại Bỉ để giải quyết khó khăn hiện nay và đảm bảo lợi ích của cổ đông và các đối tác, đồng thời cân nhắc bán tiếp Dexia BIL, chi nhánh chủ chốt tại Luxembourg. Theo đó, Chính phủ Bỉ sẽ trả 4 tỷ euro để mua Dexia Bank Belgium, hiện có 6.000 nhân viên, tổng giá trị tiền gửi 80 tỷ euro từ 4 triệu khách hàng.
Dexia cũng đạt được sự bảo lãnh của nhà nước trị giá lên tới 90 tỷ euro cho các khoản vay trong 10 năm tới, trong đó Chính phủ Bỉ sẽ cung cấp 60,5% khoản bảo lãnh này, Chính phủ Pháp đảm trách 36,5% và phần còn lại 3% thuộc về Chính phủ Luxembourg.
Thêm một đòn nữa giáng vào Dexia khi Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín nhiệm xuống A- do những căng thẳng trên thị trường tài chính liên ngân hàng đã hạn chế Dexia tiếp cận các thị trường tài chính lớn.
Dexia đang đối mặt với ngày càng nhiều yêu cầu về cho vay thế chấp, khiến Ngân hàng khó thực hiện kế hoạch thu hẹp lỗ hổng tài chính vào cuối năm 2011. Năm 2008, Dexia từng được bảo lãnh phá sản, do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việc chính phủ Pháp, Bỉ và Luxembourg phải ra tay cứu Dexia trong khi Ngân hàng này đã vượt qua cuộc sát hạch của Cơ quan giám sát ngành ngân hàng châu Âu (EBA) hồi tháng Bảy đã làm dấy lên quan ngại rằng ngay cả những ngân hàng đã vượt qua sát hạch cũng có thể trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ.
Theo kết quả sát hạch lần trước, chỉ có tám ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu về vốn và cần được rót thêm 2,5 tỷ euro, so với con số 200 tỷ euro như nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
EBA đang tiến hành đánh giá lại nền tảng vốn hiện nay của các ngân hàng, khi thị trường lo ngại về số trái phiếu của các nước thành viên yếu trong khu vực mà các ngân hàng này đang nắm giữ.
Gánh nặng của việc giải cứu Dexia đã khiến Moody's cảnh báo có thể sẽ hạ mức đánh giá tín nhiệm đối với trái phiếu của chính phủ Bỉ từ mức Aa1 hiện nay. Năm 2010, Bỉ có tỷ lệ nợ/GDP ở mức 96,2%, chỉ thấp hơn Hy Lạp và Italy, tương đương với Ireland.
Khẩn cấp tái cấp vốn
Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, những đợt sát hạch ngân hàng mới mà Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBC) dự kiến tiến hành trong thời gian tới có thể cho thấy, các ngân hàng trong khu vực cần tăng thêm vốn gần 300 tỷ euro.
Các nhà lãnh đạo Eurozone đã hối thúc các nước thành viên phối hợp thực hiện kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng như là một phần trong gói cứu trợ sau khi Chính phủ ba nước Pháp-Bỉ-Luxembourg đã phải chung tay giải cứu Dexia giữa những lo ngại sẽ có thêm các ngân hàng chịu chung số phận.
Trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso, đã kêu gọi các nước châu Âu khẩn cấp tăng vốn cho các ngân hàng bằng cách kêu gọi các nguồn vốn tư nhân. Trong trường hợp chính phủ không đủ khả năng cứu trợ, các ngân hàng có thể vay tiền từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
Để kiểm soát các ngân hàng, ông Barroso đề nghị cấm chia thưởng hay cổ tức trước khi thực hiện đợt tăng vốn. Mức vốn riêng tối thiểu của các ngân hàng theo quy định cũng sẽ phải được tăng lên 9% so với lượng tín dụng cho vay, cao hơn so với quy định hiện hành của châu Âu chỉ ở trong khoảng 6-7%.
Theo ông Jean-Claude, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, những rủi ro từ cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone đang tăng nhanh và đặt các ngân hàng vào "vùng nguy hiểm." Không những thế, cuộc khủng hoảng còn mang tính hệ thống và phải được giải quyết dứt điểm.
Những quan ngại đó đã nhắc nhở EBA cần có sự điều chỉnh trong các đợt sát hạch sắp tới để đánh giá hiệu quả hơn những nơi có vấn đề tiềm ẩn.
Đợt sát hạch 90 ngân hàng do EBA tiến hành hồi mùa Hè năm nay bị chỉ trích là chưa đủ cứng rắn bởi chỉ yêu cầu tỷ lệ vốn cơ bản 5%, nhưng không đề cập tới các thiệt hại nghiêm trọng liên quan tới việc nắm giữ nợ của Hy Lạp và nợ nước ngoài. Do đó chỉ có tám ngân hàng không vượt qua sát hạch. Theo hãng tin Reuters, nếu áp dụng tỷ lệ vốn 7%, con số đó phải là 48 ngân hàng.
Dựa trên những giả thiết kinh tế vĩ mô mà EBA đã sử dụng trong các đợt sát hạch vừa qua, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo những đợt sát hạch ngân hàng mới mà EBA dự kiến tiến hành trong thời gian tới có thể cho thấy các ngân hàng trong khu vực sẽ phải tăng thêm vốn gần 300 tỷ euro.
Goldman Sachs cũng yêu cầu các ngân hàng châu Âu cần phải có mức "đệm vốn" 9%, cao hơn mức mà EBA dự kiến sẽ đưa ra trong các đợt sát hạch mới sắp tới.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, có tới 68 trong số 91 ngân hàng sẽ không thể vượt qua được sát hạch của EBA, trong đó có cả các ngân hàng chủ chốt của Đức và Pháp.
Goldman Sachs cho rằng chỉ tái cấp vốn các ngân hàng không thôi sẽ chưa đủ, mà cần có một chương trình sâu, rộng hơn mới có thể giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng nợ Eurozone hiện nay./.
Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)