Ngư dân Philippines mất nguồn sống sau bão Haiyan

Nhiều thế hệ người dân ở Baybay coi biển là nguồn sống cho đến khi những con sóng cao 7m cũng bão Haiyan đổ ập lên họ, cuốn đi mọi thứ.
Ngư dân Philippines mất nguồn sống sau bão Haiyan ảnh 1Cảnh tàn phá tại Tacloban sau siêu bão Haiyan ngày 10/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trên bãi biển ở Baybay của Philippines, trước đây vốn là một làng chài sầm uất, một ngôi mộ đắp vội được đánh dấu bằng một cây thánh giá làm từ những cành cây gẫy, là hình ảnh đau lòng mà trận siêu bão Haiyan - tên địa phương là bão Yolanda - để lại.

Nơi đây, nhiều thế hệ người dân đã coi biển cả là nguồn sống cho tới khi thiên tai dữ dội đổ ập lên họ.

"Tôi chưa từng sợ biển, nhưng ngày bão Yolanda tới, tôi đã khóc," Cesar Magdua, một người dân của Baybay nói. Khi tiến vào bờ cùng bão Yolanda, biển cả đã nhấn chìm nhiều những ngôi nhà của làng chài và mang đi nguồn sống của họ.

Magdua, 54 tuổi, là một người Thiên Chúa giáo mộ đạo, với gương mặt sương gió và nước da nâu, đã được cha dạy đánh cá khi còn là một đứa trẻ.

"Không đủ thời gian để cứu những chiếc thuyền của chúng tôi và đưa chúng vào đất liền, trong khi những con sóng tiến tới quá nhanh, mang đi mọi thứ" - ông nói, chỉ tay ra một cây dừa với phần ngọn đã bị sóng biển bẻ gãy - "Câu nói biển sẽ lấy đi những gì nó ban tặng là đúng."

Những cơn gió đầy thịnh nộ của bão Haiyan đã tạo ra những con sóng cao tới 7 mét chạy vào bờ trong ngày 8/11, phá hủy gần như mọi thứ nằm cản đường của nó, gồm 1.500 ngôi nhà ở làng chài, cùng với các lưới đánh cá và những con thuyền.

Magdua không thể biết có bao nhiêu người trong làng đã bị thiệt mạng. Nhiều ngày sau cơn bão, người ta vẫn tiếp tục tìm thấy các thi thể nằm rải rác trong vùng.

Trên toàn Philippines có khoảng 4.000 người đã chết, theo thống kê chính thức. Nhưng Magdua tin rằng "nhiều người hơn" có thể đã chết.

"Tôi vẫn chưa gặp lại nhiều bạn của mình. Nếu anh đối mặt với những con sóng cao như thế, anh sẽ chết chắc" - ông nói.

Magdua cho biết ông đã sơ tán gia đình tới một ngôi nhà hai tầng của bạn nằm cách bờ 1km. Khi những con sóng đầu tiên ập tới, ông đang gia cố ngôi nhà nhỏ nằm trước biển của mình bằng dây thừng và các bao cát. May mắn là ông đã kịp bám vào một cái phao và một sợi dây thừng rồi trôi nổi cùng nước biển cho tới khi dạt vào chỗ an toàn.

"Vấn đề hiện nay là chúng tôi sẽ tồn tại ra sao? Chúng tôi không thể dựa vào cứu trợ mãi được" - ông nói khi cùng những ngư dân khác đi kiểm tra các tòa nhà bị hư hại.

Ngay cạnh đó, ủy viên làng Nonelon Wenceslao đang cùng một số người đàn ông khác giết thịt một con lợn họ mới tìm thấy, thu hút một đám đông nhỏ những người muốn có chút thịt tươi.

Một lá cờ Philippines tả tơi phất phơ bay trong gió, ở phía sau một tấm bảng gỗ mà ai đó dựng lên và viết trên đó dòng chữ: "Cứu với. Chúng tôi cần thực phẩm, nước sạch."

Trẻ em vẫy tay khi các máy bay quân sự bay ngang qua chở theo hàng cứu trợ, trong khi vài đứa trẻ khác đang chơi cạnh một sàn ximăng, nơi từng là một nhà hàng bán hải sản được ưa chuộng trong làng.

Wenceslao cho biết do tình hình hỗn loạn sau cơn bão, ông và các quan chức khác hiện vẫn chưa thống kê được đầy đủ thiệt hại của 1.500 gia đình trong làng

Ông nói rằng mới chỉ vài thi thể được tìm thấy trên bãi biển và nhiều người có thể đã bị nước biển cuốn đi. Ít người tin rằng những ai mất tíchcó thể còn sống.

"Chúng tôi không giàu nhưng đã từng hạnh phúc và có mọi thứ" - Wenceslao buồn bã nói - "Giờ chẳng còn lại gì. Thuyền của chúng tôi đã mất hết. Làm sao chúng tôi có thể tái xây dựng cuộc sống khi không còn nguồn sống?"

Nhiều thế hệ của ngôi làng này đều coi đánh cá là nghề cốt yếu nuôi sống cả cộng đồng. Một ngư dân bình thường kiếm được từ 500-800 peso (12-20 USD) mỗi ngày, không nhiều nhưng đủ để sống. Người dân thành phố và du khách ghé thăm nơi này cũng mang tới thêm thu nhập cho người dân trong làng.

"Chúng tôi đang kêu gọi chính quyền giúp đỡ. Làm ơn giúp chúng tôi đóng lại những con thuyền" - Wenceslao nói, cho biết thêm rằng một số ngư dân gửi tiền tiết kiệm hiện không thể lấy được tiền vì các ngân hàng đều đóng cửa.

Marjohn Mugas, 23 tuổi, đã không thể chờ đợi sự giúp đỡ. Hàng viện trợ tới chậm chạp, vợ cùng hai con của anh không có đủ thức ăn trong một tuần kể từ khi bão Haiyan phá hủy nhà họ.

Mugas đã thu gom phần lưới hỏng và kéo chúng ra một số vùng nước nông để bắt cá sữa, ốc nhỏ. "Những con cá nước ngọt này nhiều khả năng đã tới từ các đầm cá bị bão phá hủy. Hôm nay thì ổn thỏa" - anh nói - "nhưng ngày mai sẽ là một ngày khác"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục