Nguy cơ một số đảo quốc biến mất do mực nước biển dâng

Năm nước gồm Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati có thể trở thành nơi không thể sinh sống được vào năm 2100, khiến 600.000 người dân các nước này phải đi tị nạn liên quan khí hậu.
Nguy cơ một số đảo quốc biến mất do mực nước biển dâng ảnh 1Băng trôi trên Vịnh Baffin ở gần Pituffik, Greenland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu mực nước biển dâng cao nhấn chìm Maldives và Tuvalu, thì những đảo quốc này có bị xóa sổ trên bản đồ hay không và chuyện gì sẽ xảy ra với người dân.

Nguy cơ này có lẽ không còn là khoa học viễn tưởng nữa khi tốc độ ấm lên của Trái Đất đang gia tăng, đặt ra một thách thức chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế và đe dọa người dân các đảo quốc.

Các chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc cho biết mực nước biển đã dâng cao từ 15-25cm kể từ năm 1900 và tốc độ dâng ngày càng nhanh, nhất là ở một số vùng nhiệt đới.

[Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí có thể giết chết hàng tỷ người]

Nếu xu hướng ấm lên của Trái Đất tiếp diễn, thì mực nước có thể dâng cao thêm gần 1m quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này.

Mực nước biển dâng cao sẽ kèm theo gia tăng các cơn bão và triều cường, khiến cho nước và đất bị nhiễm mặn, biến nhiều đảo san hô trở thành nơi không thể sinh sống được trong một thời gian dài trước khi bị nhấn chìm.

Một nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, năm nước gồm Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati có thể trở thành nơi không thể sinh sống được vào năm 2100, khiến 600.000 người dân các nước này phải đi tị nạn liên quan khí hậu.

Theo chuyên gia về khí hậu Sumudu Atapattu của Đại học Wisconsin ở Madison, Mỹ, đây là một tình huống chưa từng có. Trong lịch sử đã có các nước bị xóa sổ trên bản đồ do chiến tranh, nhưng chưa bao giờ xảy ra tình huống các quốc gia đang tồn tại mất hoàn toàn lãnh thổ do mực nước biển dâng hoặc các hình thái thời tiết cực đoan.

Công ước Montevideo năm 1993 về quyền và nghĩa vụ của quốc gia quy định một thực thể quốc tế được coi là một quốc gia theo pháp luật quốc tế phải có các đặc điểm cơ bản sau: có lãnh thổ được xác định, có dân cư thường xuyên, có chính phủ và có năng lực tương tác với các quốc gia khác.

Do vậy, nếu lãnh thổ bị mất, hoặc trở thành nơi không sinh sống được, thì ít nhất một trong những tiêu chuẩn trên không được đáp ứng.

Thủ tướng Tuvalu Kausea Natano cho biết một số chính phủ ở Thái Bình Dương đã đưa ra sáng kiến "Rising Nations" (tạm dịch các quốc gia bị nước biển dâng) thuyết phục các nước thành viên Liên hợp quốc công nhận những nước này ngay cả khi các nước này bị nhấn chìm trong nước biển.

Trong khi đó, một số người đã nghĩ tới khả năng những nước này bị xóa sổ.

Giám đốc điều hành Trung tâm biến đổi khí hậu toàn cầu thuộc Đại học Columbia, Kamal Amakrane cho rằng người dân và chính phủ ở những nước này có thể đến sống ở nước khác.

Để thực hiện điều này, việc đầu tiên là Liên hợp quốc cần ra một "tuyên bố chính trị," tiếp đó là có một hiệp ước giữa các nước bị đe dọa nhấn chìm và những nước chủ nhà sẵn sàng tiếp nhận các chính phủ tị nạn theo hình thức đại sứ quán vĩnh viễn. Dân số những nước này sau đó sẽ mang hai quốc tịch.

Với 33 đảo nằm rải rác trên diện tích 3,5 triệu km2 ở Thái Bình Dương, Kiribati có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thuộc loại lớn nhất trên thế giới, mặc dù diện tích đất liền nhỏ.

Theo các chuyên gia, nếu chủ quyền biển này được bảo vệ thì một quốc gia sẽ không biến mất. Trong khi một số đảo nhỏ bị nhấn chìm khi mực nước biển dâng lên thì việc bảo vệ EEZ sẽ bảo đảm tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng.

Tuy nhiên, thậm chí trong trường hợp mực nước biển dâng cao, một số người sẽ không rời bỏ đất nước.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đề xuất người dân có thể sống ngay ở nước mình trong những thành phố nổi.

Viện trợ tài chính cho những "mất mát và thiệt hại" do tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên sẽ là vấn đề nóng hổi tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng các đảo quốc Thái Bình Dương cần có một kế hoạch dự phòng.

Theo chuyên gia Amakrane, cần tiến hành càng sớm càng tốt một tiến trình chính trị nhằm bảo vệ tương lai của các nước có nguy cơ không thể sinh sống được do mực nước biển dâng, nếu không, một quốc gia hay một dân tộc có thể biến mất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục