Nhà Trắng muốn đưa Mỹ vào lộ trình chấm dứt thâm hụt ngân sách

Bản chi tiết về dự toán ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến được công bố tháng 5 sẽ đề ra kế hoạch chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ.
Nhà Trắng muốn đưa Mỹ vào lộ trình chấm dứt thâm hụt ngân sách ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng Mick Mulvaney cho biết, bản chi tiết về dự toán ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump - dự kiến được công bố trong tháng 5/2017 - sẽ đề ra các kế hoạch để chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Ông Mulvaney thừa nhận rằng ngân sách của Mỹ sẽ không cân bằng trong tài khóa 2018, song cho hay Chính phủ Mỹ mong muốn đưa nước này vào lộ trình tiến tới chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách hàng năm.

Trong khi đó, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ (Mỹ) đánh giá việc cắt giảm ngân sách theo dự toán của Tổng thống Donald Trump trình Quốc hội vào ngày 16/3 sẽ ảnh hưởng tới khoản hỗ trợ tài chính cho các chương trình xã hội và chống tội phạm tại Mexico, Trung Mỹ và giải quyết hậu xung đột tại Colombia.

Nghị sỹ Eliot Engel trong Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ cảnh báo việc cắt giảm 28% ngân sách (tương đương 10 tỷ USD) cho hợp tác quốc tế sẽ tác động xấu tới quan hệ với các đồng minh và làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong khi đó, theo tờ nhật báo Phố Wall, các nhà ngoại giao và quan chức của Liên hợp quốc cảnh báo rằng những đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc cắt giảm chi tiêu của Mỹ dành cho các chương trình của Liên hợp quốc có nguy cơ cản trở các cuộc cải cách thể chế của tổ chức này, và gây ra lỗ hổng tài chính khó có thể san lấp được.

Ngân sách năm 2018 của ông Trump, được công bố hôm 16/3, cắt giảm chi tiêu cho các chương trình gìn giữ hòa bình và khí hậu tại Liên hợp quốc. Những chi tiết chính xác và việc phân bổ ngân sách cho Liên hợp quốc chưa rõ ràng, song ngân sách mới đề nghị xóa các khoản ngân sách dành cho các chương trình khí hậu.

Ngân sách cũng sẽ giảm mức trần đóng góp của Mỹ cho Liên hợp quốc xuống mức 25% đối với các khoản đóng góp cho ngân sách gìn giữ hòa bình trị giá 8 tỷ USD của Liên hợp quốc. Hiện mức đóng góp của Mỹ là 28,6%.

Nhìn chung, Mỹ tài trợ 22% trong khoản ngân sách hoạt động trị giá 5,4 tỷ USD của Liên hợp quốc, là nhà tài trợ lớn nhất trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này.

Ngoài ra, Mỹ còn tài trợ cho một số tổ chức liên quan như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nơi theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Tổ chức Y tế Thế giới, và chục tổ chức nữa. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho IAEA, khoảng 200 triệu USD mỗi năm, chiếm 25% ngân sách thường xuyên.

Tuy nhiên, Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích Liên hợp quốc về cung cách hoạt động quan liêu, và chính quyền D.Trump coi việc cải tổ Liên hợp quốc là nền tảng cho sự can dự của họ đối với tổ chức thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục