Nhân viên bị nợ lương, Tổng thống Sudan cách chức Ngoại trưởng

Bộ Ngoại giao Sudan không thể chi trả công tác phí cho các nhân viên làm việc ở ngoài hoặc trang trải chi phí thuê trụ sở cho các công tác ngoại giao quốc tế của nước này.
Nhân viên bị nợ lương, Tổng thống Sudan cách chức Ngoại trưởng ảnh 1Ngoại trưởng Sudan Ibrahim Ghandou. (Nguồn: File)

Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, khi dự trữ ngoại hối của quốc gia miền Đông châu Phi này sụt giảm mạnh kể từ tháng 1/2018 và giá trị đồng nội tệ cũng đang tụt dốc so với USD, với tỷ giá hối đoái hiện dao động ở mức 1 USD đổi được 35 bảng Sudan.

Bộ Ngoại giao Sudan là một trong những cơ quan chính phủ chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính này.

Ngày 19/4, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ra lệnh cách chức Ngoại trưởng nước này - ông Ibrahim Ghandour, 65 tuổi. Hiện chưa rõ nguyên nhân ông Ghandour bị cách chức cũng như người được chỉ định thay thế ông trong cương vị này.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn quốc gia Sudan (SUNA), quyết định cách chức ông Ghandour được đưa ra sau khi trong phiên họp mới đây của Quốc hội Sudan, ông Ghandour thừa nhận Bộ Ngoại giao nước này không thể chi trả công tác phí cho các nhân viên làm việc ở ngoài hoặc trang trải chi phí thuê trụ sở cho các công tác ngoại giao quốc tế của nước này.

[Sudan khiếu nại lên LHQ về khu vực tranh chấp với Ai Cập]

Nhiều nhân viên ngoại giao Sudan đang công tác ở nước ngoài đã bày tỏ nguyện vọng muốn trở về nhà bởi họ đã không được trả lương trong nhiều tháng.

Tại phiên họp, ông Ghandour cho biết ông đã liên hệ với thống đốc Ngân hàng Trung ương Sudan, song vẫn không thể đảm bảo được các khoản quỹ chi tiêu cho công tác ngoại giao.

Theo ông Ghandour, các khoản tiền chi trả cho lương của các nhà ngoại giao cũng như các khoản tiền thuê trụ sở ở nước ngoài ước tính 30 triệu USD/năm, trong khi ngân sách hàng năm của Bộ Ngoại giao Sudan là khoảng 69 triệu USD.

Nền kinh tế Sudan đã suy thoái nhanh chóng sau khi miền Nam tách ra vào năm 2011, khiến nước này mất tới 75% nguồn thu từ dầu mỏ, và từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại hối.

Trong những tháng gần đây, do tình trạng thiếu ngoại tệ mạnh, tỷ giá giữa đồng bảng của Sudan so với đồng USD trên thị trường chợ đen thấp đến mức ngân hàng trung ương đã phải phá giá đồng bảng 2 lần kể từ tháng 1 vừa qua.

Sự suy yếu của đồng bảng Sudan cũng là một nguyên nhân làm tăng lạm phát, hiện đang ở mức trên 56%.

Trong khi đó, Sudan cũng phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nặng nề và giá lương thực leo thang chóng mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục