Nhiều người dân 'khóc ròng' vì giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt

Không chỉ có thép “bão giá,” nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch xây, gạch ốp... cũng đồng loạt tăng giá khiến nhiều người dân như ngồi trên đống lửa khi tiến hành xây dựng.

Từ đầu năm, giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh khiến nhiều người dân "đứng ngồi trên đống lửa" khi tiến hành xây dựng.

"Méo mặt" vì giá vật liệu phi mã

Tiết kiệm được 1 tỷ đồng sau những năm tháng đi làm, anh Minh Tiến (phường Thanh Lương, Hà Nội) vay thêm gia đình nội ngoại 500 triệu đồng nữa để xây nhà. Khởi công, đổ móng vào cuối tháng Ba thì tháng Tư anh nhận được thông báo từ các đại lý giá cả vật liệu tăng nhanh chóng.

“Tôi dự trù xây xong căn nhà 3 tầng khoảng 1,6 tỷ đồng nhưng đứng trước tình trạng tăng giá thế này, chắc phải 2 tỷ đồng mới xây xong được nhà, lại bù đầu đi vay nợ ngân hàng…,” anh Tiến cho biết.

Tương tự, anh Lê Trung, một người dân đang xây nhà tại Thường Tín (Hà Nội) cho biết giá sắt cao khiến chi phí xây nhà của anh bị tăng đáng kể. Theo lời anh, khi mới đổ móng nhà vào cuối tháng Ba, một cây sắt 10 Việt Úc được anh mua có giá là 100.000 đồng, nhưng chỉ sau khoảng 2 tuần, giá của cây sắt này đã tăng lên thành 130.000 đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, anh Công Huỳnh, chủ đại lý sắt thép tại Hà Nội cho hay hiện giá thép nhập vào ngày 14/5 đã ở mức 18.700 đồng/kg, cao hơn 3.500 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 6.000 đồng so với hồi đầu năm.

Đây là mức tăng mạnh và các nhà máy liên tục chào giá mới tới các đại lý. So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12-13 nghìn đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng 50%.

Khảo giá tại chủ cửa hàng thép khác trên phố Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, giá Thép Việt Ý cuộn CB240 tăng 500 đồng lên 18.700 đồng/kg. Đối với thương hiệu thép Hòa Phát cuộn CB240 ghi nhận mức giá là 19.400 đồng/kg, cuộn CB300 tăng lên 19.300 đồng/kg (giá tại cửa hàng, đã bao gồm thuế, phí).

Tương tự, thép thương hiệu Việt Đức, hai loại sản phẩm CB240 cũng tăng giá lần lượt là 18.300 đồng/kg đối với cuộn CB240 và 18.200 đồng/kg với cuộn D10 CB300.

Bên cạnh sắt, thép, nhiều loại vật liệu xây dựng như cát, gạch, ximăng cũng lên giá.

Nhiều người dân 'khóc ròng' vì giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt ảnh 1Không chỉ giá thép tăng cao, giá các nguyên vật liệu khác như xi măng, cát, gạch,... cũng tăng theo nhanh chóng. (Ảnh minh hoạ: Minh Hiếu/Vietnam+)

Theo lời một đại lý vật liệu xây dựng quận Hoàng Mai, mới đây, xi măng Bỉm Sơn từ các đại lý cũng chính thức tăng 30 nghìn đồng/tấn, một số loại khác cũng tăng mức tương đương hoặc tăng đến 40 nghìn đồng/tấn; nhìn chung giá xi măng dao động từ 1,3 đến 1,7 triệu đồng/tấn, gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/m2…

Chưa thể hạ nhiệt?

Các đại lý phỏng đoán giá vật liệu xây dựng chưa thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn. Lý do được các doanh nghiệp sản xuất ximăng đưa ra là do hiện tại chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao… liên tục tăng giá. 

[Giá thép ‘phi mã’ ảnh hưởng tới ngành xây dựng: Nhà quản lý làm gì?]

Anh Phương, cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Nguyễn Khoái (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết giá cát, ximăng tăng theo giá sắt thép không phải là tình trạng “tát nước theo mưa” mà thực tế mỗi mặt hàng có lý do riêng để tăng.

Cụ thể, tại các tỉnh vùng ven sông Hồng, việc khai thác cát xây dựng ngày càng khó khăn, nhiều công trình xây dựng đặt mua phải chờ cả tháng sau mới có hàng, thậm chí lúc nhận giá cao hơn giá bán, nhưng “đành chịu” vì nhiều lý do khác nhau. Tương tự, giá nguyên liệu làm ximăng đều tăng nên các nhà sản xuất đều đồng loạt tăng giá bán.

“Giá sắt cao nhưng công trình không dừng lại được. Tôi đã đợi với mong muốn sắt hạ hơn, nhưng cứ vài ngày thì lại thấy các đại lý báo giá cao hơn một chút. Do đó, tôi đã phải đi đặt tiền mua sắt cả công trình để mong có giá rẻ hơn,” anh Lê Trung chia sẻ.

Các đại lý cho rằng thời gian tới, giá của các mặt hàng này được dự báo vẫn chưa thể “hạ nhiệt” nhất là khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, họ khuyến nghị người dân nên tính toán kỹ lưỡng, có thể tiến hành "trả trước" vật liệu cho công trình để tiết kiệm chi phí xây dựng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục