Nhu cầu vốn và lo sợ lạm phát tăng đẩy lãi suất huy động 'nóng' lên

Giới chuyên môn nhận định lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ cục bộ tại một số ngân hàng nên không tác động đến mặt bằng chung lãi suất trên thị trường.
Nhu cầu vốn và lo sợ lạm phát tăng đẩy lãi suất huy động 'nóng' lên ảnh 1Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Đầu tháng 11, một số ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn 6-24 tháng theo chiều hướng tăng nhẹ.

Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi tăng dịp cuối năm là điều dễ hiểu khi nhu cầu về vốn tăng cao nhưng chỉ diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ, thanh khoản yếu. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dưới áp lực của lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất huy động trên toàn thị trường có thể sẽ tăng trở lại. 

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus cho thấy BaoVietBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%. Trong khi đó, SHB lại tăng lãi suất tiền gửi 0,4%, lên mức 6,1%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 10, một số ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1%-0,4% với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên.

Cụ thể, Eximbank tăng 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1%-0,2%/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng; Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn.

[Thống đốc NHNN: Năm 2022, rủi ro lạm phát phải đối mặt với áp lực lớn]

Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, hiện nay, nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến trong mùa dịch, các ngân hàng cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB, SCB…hầu như không thay đổi lãi suất trong suốt 2 tháng gần đây.

Hiện Vietcombank, Agribank, BIDV có lãi suất cao nhất là 5,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy, VietinBank là 5,6%/năm. Những ngân hàng này có thể sẽ có chương trình cộng thêm lãi suất khoảng 0,1%-0,3%/năm khi khách hàng gửi tiền online, tùy vào từng kỳ hạn.

Lãi suất cao nhất tại MB (không tính đến các khoản tiền gửi hàng trăm tỷ đồng) là 6,2%/năm áp dụng ở kỳ hạn 36 tháng.

Việc lãi suất huy động bất ngờ tăng trở lại ở một số ngân hàng có thể do tác động của đợt dịch vừa qua khi nhiều tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách kéo dài. Những ngân hàng như Sacombank, Eximbank,…có thị trường chủ yếu ở phía Nam đã ghi nhận tiền gửi bị ảnh hưởng trong quý 3. Như tại Sacombank, khách hàng đã rút ròng hơn 15.000 tỷ đồng tiền gửi trong quý 3, còn Eximbank cũng ghi nhận sụt giảm 55 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tháng cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đặc biệt, trong quý 4 năm nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục khi trải qua thời gian dài giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Cùng với đó, Chính phủ đang tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ không còn dồi dào. Do đó, lãi suất ở một số ngân hàng tăng lên để phù hợp với tình hình.

Đánh giá chung mặt bằng lãi suất hiện nay, giới chuyên môn nhận định lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ cục bộ tại một số ngân hàng nên không tác động đến mặt bằng chung lãi suất trên thị trường.

Tăng trưởng tín dụng đã tăng

Tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%), tương đương với khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng mới được bố sung cho nền kinh tế trong tháng 10, gần gấp đôi so với tháng Chín. Riêng khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng Chín và tăng 10,4% so với đầu năm. 

Trong đó, lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 34.900 tỷ đồng được cấp vay mới trong tháng 10; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng được bổ sung 15.600 tỷ đồng. 

"Như vậy, tín dụng đã có mức tích cực hơn so với kỳ vọng của chúng tôi và thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế sau giãn cách,” chuyên gia Công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Với tình hình hiện nay, khi mà hầu hết các địa phương đã nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất nên có lý do để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục đạt kết quả tích cực trong quý 4 này.

Trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 12% trong năm 2021.

Với việc tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ và ít có khả năng thắt chặt trở lại, các chuyên gia cho rằng nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.

"Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước sớm nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt," báo cáo KBSV viết.

Hiện tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt, đạt 7,8% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tích cực hơn, đạt 8,8%. 

Cụ thể, một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong thời gian qua bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB và MSB. 

Đáng chú ý, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB và TPBank. 

Nhu cầu vốn và lo sợ lạm phát tăng đẩy lãi suất huy động 'nóng' lên ảnh 2

Theo KBSV, dù Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới. Do vậy, mặt bằng lãi suất còn rất ít dư địa để giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát là hiện hữu. 

Trong khi đó, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết hạn mức tín dụng của Vietcombank không còn nhiều và có thể sẽ được nới thêm 2%-4% nếu cần thiết nhờ việc hỗ trợ nền kinh tế và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 10% đồng thời, lãi từ hoạt động dịch vụ sẽ tăng mạnh trong quý 4 nhờ khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng).

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm nay dự báo lạm phát ở mức 2,5%, trong khi mức Quốc hội cho phép là dưới 4%. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dự báo lạm phát tăng mạnh có thể từ 3,5%-4%. Khi lạm phát gia tăng, người dân sẽ tăng cường việc bảo vệ tài sản nên sẽ xảy ra tình huống người dân rút tiền khỏi ngân hàng nếu lãi suất không đạt kỳ vọng.

Để giữ được tính thanh khoản, có được khả năng cho vay, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất đầu vào, nhất là những ngân hàng nhỏ, tính thanh khoản yếu, vốn ít trong thời gian tới.

“Ngay từ lúc này, một số ngân hàng có quy mô nhỏ, khó khăn vốn đầu vào có động thái tăng lãi suất tiền gửi để chuẩn bị nguồn vốn cho năm tài chính mới. Mặt khác tránh việc người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán,” một chuyên gia kinh tế cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục